Đề xuất không cho chăn nuôi trong nội thành Hội An, Tam Kỳ và Điện Bàn
Ngày 12-4, UBND tỉnh Quảng Nam cho hay vừa có tờ trình số 1956 gửi HĐND tỉnh đề nghị xem xét, ban hành nghị quyết quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Theo nội dung tờ trình, những tổ chức, cá nhân chăn nuôi không được bố trí cơ sở chăn nuôi ở những khu vực thuộc nội thành gồm: phường Tân Thạnh, An Mỹ, Phước Hòa, An Sơn, An Xuân, An Phú (thành phố Tam Kỳ), Minh An, Sơn Phong, Cẩm Phô, Tân An, Cửa Đại, Cẩm An (thành phố Hội An), thị trấn Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn) và khu trung tâm xã, phường, thị trấn còn lại trên địa bàn tỉnh.
Quảng Nam quy định lại khu vực chăn nuôi thuộc nội thành - Ảnh: ĐỨC TÀI
Các khu vực còn lại đối với chăn nuôi nông hộ, những địa điểm không đảm bảo tách biệt với nơi ở của con người và không có hệ thống thu gom và hệ thống xử lý chất thải đủ công suất (như hầm biogas hoặc đệm lót sinh học phù hợp).
Riêng việc nuôi chim yến, các tổ chức, cá nhân chăn nuôi được phép bố trí nhà yến ở những nơi đảm bảo cách khu dân cư, trường học, chợ, bệnh viện tối thiểu 300m, đồng thời đảm bảo phù hợp với các quy định khác có liên quan.
Theo tỉnh này, mục đích xây dựng dự thảo nghị quyết nhằm hình thành khung pháp lý trong việc quản lý hoạt động chăn nuôi phù hợp theo từng loại hình quy mô chăn nuôi, thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững.
Thực hiện được các yêu cầu về điều kiện chăn nuôi, quy mô chăn nuôi theo quy định của pháp luật.
Giảm dần chăn nuôi quy mô nông hộ, phát triển chăn nuôi quy mô trang trại đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, tạo ra những sản phẩm có giá trị trên thị trường, mang lại cơ hội xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang các nước khác.
Quảng Nam là một tỉnh nông nghiệp với hơn 70% dân số sống ở vùng nông thôn, trong đó phần lớn người dân gắn với sản xuất chăn nuôi.
Trong những năm gần đây, tổng sản lượng sản phẩm chăn nuôi tăng, chăn nuôi quy mô nông hộ giảm dần, chăn nuôi quy mô trang trại có xu hướng phát triển. Nhiều cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường được hình thành.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi của tỉnh còn nhiều tồn tại, khó khăn; mức độ rủi ro cao do dịch bệnh, tình trạng ô nhiễm môi trường sống và môi trường sinh thái do chất thải chăn nuôi vẫn chưa được khắc phục.
Một trong những nguyên nhân tồn tại nêu trên là do hoạt động chăn nuôi tại các khu dân cư vẫn còn phổ biến. Thực tế trong những năm qua đã có nhiều kiến nghị của người dân về việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, chim yến trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường.
ĐỨC TÀI