Chuẩn hóa sản phẩm OCOP
Ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) cho biết, lớp tập huấn nhằm phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký và xây dựng thương hiệu, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở... cho các sản phẩm OCOP. Cùng với đó, triển khai cách thức quản lý chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất... cho cán bộ trực tiếp quản lý, điều hành Chương trình OCOP cấp huyện, xã và các chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2019.
Thắt chặt tiêu chí
Năm 2018, Quảng Nam đánh dấu bước ngoặt khi phát triển thành công hệ thống sản phẩm OCOP, định hướng trở thành sản phẩm hàng hóa. Sau khi hoàn thành giai đoạn khởi đầu, Ban chỉ đạo Chương trình OCOP tỉnh cho biết, Chương trình OCOP của tỉnh đang phát triển theo chiều sâu, chú trọng chất lượng sản phẩm, tạo lực đẩy cho các sản phẩm OCOP có lợi thế trở thành sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, quốc gia, đủ sức chiếm lĩnh thị trường trong nước, vươn tới thị trường xuất khẩu.
Năm 2018, UBND tỉnh đã công nhận 5 sản phẩm đạt 4 sao và 20 sản phẩm đạt 3 sao. Theo quy định, sản phẩm được xếp hạng từ 3 sao trở lên phải đạt các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểu dáng, nhãn mác, bao bì, nguồn gốc xuất xứ, đã công bố hợp quy hoặc quy định phù hợp, hệ thống sản xuất đạt chuẩn và khả năng tiếp thị sản phẩm tốt… Ông Nguyễn Văn Nhật - Giám đốc Hợp tác xã Nhật Linh (Tiên Phước) - chủ thể OCOP năm 2018 với 2 sản phẩm đều được xếp hạng 4 sao cho biết, việc đánh giá xếp hạng nhằm chuẩn hóa sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, “thanh lọc” sản phẩm kém chất lượng, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái có thể trà trộn.
Chuẩn hóa bằng các tiêu chí về thương hiệu, bao bì, an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ giúp sản phẩm OCOP vươn ra nhiều thị trường. |
Ông Mai Đình Lợi chia sẻ, để OCOP tiếp tục lan tỏa trở thành chương trình kinh tế quan trọng, nâng cao sức mạnh, vị thế, giúp sản phẩm OCOP vươn xa, mang lại giá trị, lợi nhuận cho người dân, doanh nghiệp..., trong thời gian tới, Quảng Nam thắt chặt các tiêu chí về chất lượng và chuẩn hóa sản phẩm. Việc phát triển sản phẩm OCOP sẽ tập trung theo hướng gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm, thiết kế bao bì, nhãn mác, xây dựng câu chuyện sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc, mã số, mã vạch, nhãn hiệu hàng hóa...
Vươn ra thị trường
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, điều cuối cùng hướng đến của Chương trình OCOP là phải làm sao để từ hộ sản xuất, doanh nghiệp siêu nhỏ đến doanh nghiệp vừa đều bán được sản phẩm của mình. Theo đó, việc mở rộng thị trường và vươn đến những thị trường lớn như TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, định kỳ tổ chức tham gia các phiên chợ nông sản tại Đà Nẵng, Hội An sẽ là mục tiêu mà chủ thể OCOP phải làm được thông qua hỗ trợ từ các ban ngành. Sở Công Thương cũng đang tích cực hoàn thành 4 - 6 điểm bán hàng OCOP cũng như cố gắng liên hệ để đưa sản phẩm OCOP đã xếp hạng trưng bày tại các khách sạn, khu resort...
Nhiều sản phẩm OCOP nhờ sự liên kết, sản xuất theo quy mô tập trung đã nâng cao cả về sản lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại doanh thu cho người sản xuất và người chế biến. Ông Nguyễn Văn Nhật - Giám đốc Hợp tác xã Nhật Linh nói: “Nhà nước chỉ có thể đưa ra quy trình chuẩn để quản lý, còn chất lượng sản phẩm đến đâu do chính chủ thể OCOP quyết định. Mà sản phẩm OCOP thuộc diện hàng hóa, trong xu thế phát triển hiện nay đương nhiên sẽ chịu sự tác động của thị trường, bởi vậy sản phẩm phải có chất lượng mới tồn tại được”.
Quảng Nam đang tăng tốc làm OCOP.
Năm 2019, Quảng Nam với vai trò là tỉnh điểm được Bộ NN&PTNT lựa chọn, ngoài các chủ thể OCOP đã đăng ký tham gia, theo Ban chỉ đạo Chương trình OCOP tỉnh, Quảng Nam sẽ đẩy mạnh một số mục tiêu cụ thể. Trong đó, tiến hành xây dựng 3 mô hình OCOP vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gồm: mô hình liên kết chuỗi sản xuất, gắn với chế biến từ củ đảng sâm huyện Tây Giang; mô hình liên kết chuỗi sản xuất, gắn với chế biến từ cây quế các huyện Nam - Bắc Trà My; mô hình làng du lịch cộng đồng gắn với phát triển sản phẩm thổ cẩm xã TaBhing, huyện Nam Giang. Cùng với đó, sản phẩm du lịch cũng được quan tâm với việc xây dựng mô hình làng du lịch cộng đồng tại làng cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước. Ngoài ra, mô hình Trung tâm OCOP cấp vùng tại TP.Hội An và một số gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại những khách sạn lớn trên địa bàn Hội An vẫn đang được xúc tiến thực hiện.
Hơn 120 sản phẩm OCOP năm 2019 hứa hẹn tạo nên thương hiệu sản phẩm OCOP nếu thực hiện đúng quy trình chuẩn hóa sản phẩm và sẽ đều có cơ hội phát triển nếu đạt được các tiêu chí chất lượng.
XUÂN HIỀN