Thăng Bình- Giếng cổ ở làng Hưng Mỹ

Các giếng cổ tại làng Hưng Mỹ (xã Bình Triều, huyện Thăng Bình) được xem là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, tâm linh. Sự tồn tại của các giếng cổ như gợi nhắc về các giá trị được kết tinh qua hàng trăm năm.

Năm nay đã ngoài 70 tuổi, ông Xa Mai, ở thôn Hưng Mỹ vẫn nhớ thời còn nhỏ khi tham gia sinh hoạt tại giếng nước Chùa Thánh, thôn Hưng Mỹ. Nước giếng dùng để nấu nướng, tắm gội, phục vụ sinh hoạt cho hàng trăm người mỗi ngày, đó là những gì lưu giữ trong ký ức của ông cho đến bây giờ. Ông Mai kể: “Khi tôi sinh ra đã có giếng nước này rồi. Cả làng này, vì gần sông nên chỗ nào đào giếng lên cũng có nước, tuy nhiên để có được một cái giếng có mạch nước mạnh, không phèn, nước trong và ngọt thì đó là điều không hề dễ dàng, vậy nên nhiều người dùng chung một cái giếng trong suốt mấy chục năm”.

Cụ ông Trương Bá Đề được xem là người am hiểu tường tận về các giếng cổ tại làng Hưng Mỹ. Năm nay đã gần 90 tuổi, thế nhưng cụ Hai Đề vẫn còn rất minh mẫn và nhớ tường tận về quá trình hình thành, xây dựng của các giếng nước. Theo cụ Đề, toàn thôn Hưng Mỹ hiện còn 4 giếng cổ với những tên gọi và lịch sử hình thành khác nhau, nhưng có một điểm chung đó là phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và tín ngưỡng tâm linh của nhân dân địa phương. Theo cụ Đề, 4 giếng cổ trong làng hiện nay gồm: giếng Hưng Thạnh nhị xã, giếng Chùa Phật, giếng Chùa Thánh và giếng Miếu Đôi. Trong đó, giếng Hưng Thạnh nhị xã được xem là lâu đời nhất, trên dưới 300 năm. Qua lời kể của các thế hệ trước, giếng cổ này có từ thời các triều Nguyễn. Trong những năm cuối thế kỷ 18, vì không phân định ranh giới rõ ràng giữa hai làng Hưng Thạnh và Tiên Mỹ xưa nên người dân đã tát cạn đáy giếng để biết tên làng của mình vốn đã được khắc trong lớp gỗ lót dưới đáy giếng, cuối cùng giếng được mang tên Hưng Thạnh nhị xã vì dòng chữ Nho khắc trên gỗ mang tên Hưng Thạnh; hiện nay, tấm ván gỗ này vẫn còn ở đáy giếng Hưng Thạnh nhị xã, nằm tại tổ 1 thôn Hưng Mỹ xã Bình Triều.

Giếng cổ Chùa Thánh - một trong những giếng nước lâu đời nhất tại làng Hưng Mỹ.Ảnh: V.T
Giếng cổ Chùa Thánh - một trong những giếng nước lâu đời nhất tại làng Hưng Mỹ. Ảnh: V.T

Một trong những nét đặc trưng mang tính tâm linh đó là từng giếng cổ sẽ được gắn với một ông Từ riêng. Theo lời kể của cụ Đề thì thời xưa, mỗi ngôi chùa có một ông Từ để lo hương khói, và tất nhiên sẽ có một cái giếng để lấy nước nấu nướng, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng. Tên gọi từng giếng gắn với từng ông Từ cũng được ra đời từ đó, nếu giếng Hưng Thạnh có ông Từ Hữu, thì giếng Chùa Thánh có ông Từ Ruột, giếng chùa Phật có ông Từ Thế…

Ngày xưa, toàn thôn Hưng Mỹ hễ đào giếng thì rất dễ, nhưng để có giếng nước trong và ngọt, phục vụ nhu cầu lâu dài của bà con thì cả một quá trình. Cụ Đề lấy ví dụ, muốn biết dưới lòng đất có mạch nước ngầm hay không thì sau khi chọn địa điểm đào giếng, lúc đêm đến, ông cha xưa sẽ đem từng cái chén úp xuống đất ở từng khu vực khác nhau; chờ đến sáng hôm sau, nếu chén nào có hơi nước đọng lại thì dưới lòng đất chắc chắn sẽ có mạch nước ngầm. Chính nhờ “công thức” bắt đúng mạch nước ngầm nên có thời kỳ hạn hán quanh năm nhưng các giếng nước ở đây vẫn có nguồn nước dồi dào và liên tục để dân làng sử dụng. Cách thức xây dựng giếng cũng được cụ Đề lưu tâm, vật liệu được xây dựng 100% là gạch hoặc đá ong, không sử dụng chất liệu kết dính. “Để có nguồn nước trong, không bị lẫn tạp chất thì đáy giếng được nhân dân đệm lót các loại ván gỗ loại tốt của mít, kiền kiền, gõ…; tất nhiên là phải có sự đóng góp của cả dân làng mới có được nguồn kinh phí lớn tạo dựng một giếng nước như vậy” – cụ Đề cho biết thêm.

Trải qua hàng trăm năm, các giếng cổ tại làng Hưng Mỹ đã được người dân trong và ngoài địa phương nhiều lần sửa chữa, tu bổ. Gần đây toàn bộ khuôn viên các giếng cổ tại đây được nâng cấp bề thế, sạch đẹp. Ngày nay, với phương tiện kỹ thuật hiện đại, hệ thống giếng khoan, nước sạch phục vụ tận khu dân cư sẽ khiến không ít giếng nước cộng đồng bị lãng quên theo năm tháng. Song, những chiếc giếng cổ mang trong mình nét văn hóa làng xã và ký ức của bao thế hệ ở Hưng Mỹ vẫn được giữ gìn.


VĂN TOÀN


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top