Người Hà Lan với Hội An

Trong cuộc giao thoa văn hóa Đông - Tây gắn liền với sự hưng thịnh của thương cảng Hội An xưa, dấu ấn của người Hà Lan để lại không nhiều. Tuy nhiên, ngay từ khi phố mới hình thành, chính Hà Lan mới là quốc gia phương Tây đặt nền móng giao thương đầu tiên một cách toàn diện và dĩ nhiên đã có một giai đoạn phát triển phồn thịnh.

1. Thế kỷ 16 và 17, Hà Lan là một trong những cường quốc về hàng hải. Năm 1602, tại Amsterdam, một công ty lớn chuyên buôn bán với phương Đông mang tên Đông Ấn được thành lập. Ít năm sau, họ thiết lập được những căn cứ vững chắc tại Hirado (Nhật Bản), Batavia (nay là Jakarta - thủ đô Indonesia, trên đảo Java) và Malacca (Malaysia). Họ nhanh chóng giành được ưu thế trong hoạt động thương mại trên Biển Đông. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã chủ động tìm cách thiết lập quan hệ với công ty này, mời họ đến buôn bán ở Đàng Trong. Năm 1633, thuyền Hà Lan đến Hội An thăm dò thị trường, quan hệ mới chính thức được thiết lập. Năm 1636, Hà Lan xin phép mở một thương điếm ở Hội An. Họ đến Hội An lập ra thương cuộc, dùng nhiều người bản địa làm công, vừa kinh doanh mối lợi xuất nhập cảng, vừa làm trung gian cho hai nước Trung Hoa - Nhật  Bản thông thương với nhau (Vì lúc ấy cuối đời nhà Minh cấm xuất cảng hóa vật và Mạc Phủ nước Nhật không cho dân mình giao thông hải ngoại). Chúa Nguyễn đối đãi với các thương nhân Hà Lan một cách rộng rãi, tử tế như đối với các kiều dân khác cùng đến sinh nhai thương mại ở Hội An.

Quang cảnh tấp nập buôn bán của Hội An ngày xưa. Ảnh: Internet.

Thấy công việc phát đạt, thương nhân Hà Lan tiếp tục lần theo đường biển tìm kiếm mở rộng thị trường kinh doanh. Trong đó có chuyến từ Hirđo, tàu Grôn chở 40 kiện hàng hóa trị giá 19 vạn phlorin bao gồm bạc, sắt, đồng, các hàng hóa khác của châu Âu và Nhật Bản đến Đàng Ngoài. Họ đã được tiếp đón nồng hậu. Các thương nhân được phép mang hàng hóa lên Kẻ Chợ (Thăng Long) để bán. Cùng năm ấy, Hà Lan thiết lập thương điếm của họ ở Phố Hiến và sau đó ít năm lại được phép mở thương điếm thứ hai ở Thăng Long. Tuy nhiên, lịch sử có sự trớ trêu: chúa Trịnh Đàng Ngoài, chúa Nguyễn Đàng Trong coi nhau như cừu địch, trong vòng hơn 40 năm (1627 - 1672) hai bên huyết chiến trước sau bảy lần với những trận đánh hết sức ác liệt. Chính vì vậy, việc người Hà Lan có quan hệ thân mật với Đàng Ngoài đã làm cho các chúa Nguyễn nghi ngờ.

2. Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1635 - 1648) ở Đàng Trong ra lệnh cho quan trấn thủ Quảng Nam phải để ý khám xét kỹ lưỡng các thuyền buôn Hà Lan mỗi khi họ vào Hội An, nhất là thuyền nào chạy từ bắc đến, ghé vào Hội An rồi đi Batavia và cả thuyền ở Cửa Đại đi ra Đàng Ngoài cũng vậy (vì sợ có gián điệp ngoài trà trộn hoặc người xứ trong phản bội đào thoát). Thật ra việc khám xét thuyền buôn ra vào không phải là một chính sách quá đáng hoặc có dụng ý đe dọa, uy hiếp gì mà đó chỉ là một lệ quen (luật). Theo tài liệu của các thương nhân Nhật Bản qua xứ ta thông thương thế kỷ 16, 17 thì từ lúc chúa Nguyễn Hoàng vào trấn Đàng Trong ít lâu, mở ra Hội An làm phố ngoại thương đã đặt lệ khám xét thuyền buôn xứ ngoài đến. Mỗi khi thuyền vào bến Hội An, trước khi bốc hàng hóa, người chủ thuyền phải tự lên trình báo quan Cai bạ (chuyên lo việc thuế má, hành chính) để ông ta xuống thuyền xem xét hàng hóa, đồ vật, căn cứ theo lệ để đánh thuế và chọn ít món hàng quý hiếm hoặc cần thiết gửi về triều đình. Xong những việc đó rồi thuyền mới được dỡ hàng lên bán cho thiên hạ. Trải qua máy chục năm, bất kể thuyền buôn ngoại quốc nào vẫn có lệ ấy khi họ thả neo hạ buồm trước cửa Đà Nẵng, Hội An, không ai lấy làm lạ. Những người Hà Lan cũng đã quen lệ ấy, ở Hội An họ cũng đã có cửa hiệu tổ chức kinh doanh bấy lâu.

Thế nhưng những thương nhân chỉ vì món lợi chơi trò bắt cá hai tay, nên bị nghi ngờ có giao thiệp với chúa Trịnh và mua bán khí giới cho Đàng Ngoài. Có tật giật mình, họ không chịu để khám xét nên thành ra xích mích. Ngọn lửa bất hòa đã âm ỉ thì thêm nhiều chuyện xảy tới khiến nó bùng phát.

Hạm đội Công ty Đông Ấn Hà Lan thế kỷ 17. Ảnh: tư liệu
Hạm đội Công ty Đông Ấn Hà Lan thế kỷ 17. Ảnh: tư liệu

Nguyên hồi năm 1641, tàu Hà Lan ở xứ Bắc chạy vào Đàng Trong mắc cạn ở Cù Lao Chàm, trên tàu có mấy người bị chúa Thượng nghi làm gián điệp nên hạ lệnh bắt giam để tra hỏi. Trong khi đang tiến hành thẩm vấn thì một chiếc tàu khác qua đầu năm 1642 do Vanm Liesvelt làm thuyền trưởng từ Đàng Ngoài chạy về Batavia nhân tiện ghé vào để xin chúa Nguyễn trả tự do cho mấy người bị bắt năm ngoái. Thế nhưng vì trên thuyền lại có sứ thần chúa Trịnh phái đi công cán Batavia khiến cho chúa Nguyễn càng thêm bất bình và nghi ngờ, vì thế từ chối thả những người đang bị giam trong ngục. Những người sang nước ta buôn bán đều do Công ty Đông Ấn phái đi, vốn là cơ quan thương mại nhưng có thế lực cả về chính trị lẫn quân sự nên khi thấy thương lượng hòa bình không thành, công ty liền phái một số tàu đến lãnh hải quấy nhiễu bắt cóc dân lành làm con tin, hành hình để đe dọa, thế là mối bất hòa càng thêm sâu sắc.

3. Còn trên đất liền, người Hà Lan buôn bán ở Hội An rất phát đạt, mở nhiều cửa hiệu và thuê người làm công là dân bản xứ. Một hôm họ thấy hàng hóa mất mát, tình nghi một người bản xứ làm việc bốc xếp hàng đã trộm đem đi bán. Thế rồi họ dùng vũ lực tra khảo, đánh đập, không may người ấy thọ bệnh mà chết. Lo sợ rắc rối, họ lại vu cho người xấu số lấy trộm đồ trong hiệu, bị bắt quả tang nên sợ quá mà tự tử. Việc ấy làm cho hàng phố và dư luận người sở tại xì xào bàn tán rồi đến tai quan trấn thủ Quảng Nam. Nghe nói hiệu buôn Hà Lan đánh chết người bản xứ không kể phép nước ra gì, quan hết sức bất bình liền mở cuộc điều tra. Những thương nhân không hợp tác và có thái độ trịch thượng, quan trấn thủ cả giận bèn trình báo chúa Thượng. Chúa cả giận bèn giao toàn quyền cho quan trấn thủ xử lý, kể cả dùng đến những biện pháp cứng rắn nhất. Nắm được đặc quyền ấy, quan trấn thủ cho bắt những người có liên quan đến vụ việc (cả thảy 9 người), tịch thu tài sản sung công quỹ, những thứ không cần thiết thì đem tiêu hủy. Vì tội cố ý sát nhân, 7 người trong bọn bị tuyên án trảm, đưa ra pháp trường hành hình ngay. Còn 2 người không liên can được tha bổng, cho đáp thuyền về Batavia để thông báo sự việc đã xảy ra. Công ty Đông Ấn đã phái 3 chiếc tàu chiến hạng to, chở nhiều quân lính, khí giới, định lấy võ lực uy hiếp chúa Nguyễn để trả thù nhưng đã bị thất bại, hao binh tổn tướng ở cửa biển Thuận An (hai chiếc bị đánh chìm, chiếc còn lại hư hỏng nặng phải tháo chạy, đề  đốc Pierre Baeck tử trận…). Từ đấy người Hà Lan đã quyết tâm giúp chúa Trịnh một cách công khai để chống chúa Nguyễn. Quan hệ hai bên căng thẳng, các thương nhân phải đóng cửa thương điếm ở Hội An, còn chúa Nguyễn cũng tuyên bố không miễn thuế cho người Hà Lan nữa.

Có một điều mà người Hà Lan không biết là chúa Nguyễn Phúc Lan đã xem xét nghiêm túc sự đe dọa của người Hà Lan và ông đã thả 50 người từ tháng 3 năm 1642 nhưng mãi tới năm 1643 Công ty Đông Ấn Hà Lan mới biết chuyện này. Vì những hiểu nhầm và bất hòa ấy, mãi đến năm 1651, quan hệ hai bên mới được nối lại, chúa Nguyễn ký hiệp ước thương mại với họ và thả các tù binh Hà Lan. Tuy nhiên, việc làm ăn của người Hà Lan tại Đàng Trong sau đó cũng không thuận lợi và họ đã rút đi.


NGUYỄN HOÀI QUẢNG


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top