Nghĩa Tây- Đất nghèo chuyển mình

Trải bao bộn bề gian khó, vùng đất Nghĩa Tây (xã Đại Nghĩa, Đại Lộc), đã có những cuộc chuyển mình, thay da đổi thịt ngoạn mục.

Đất nghèo chuyển mình

Vùng đất Nghĩa Tây, xã Đại Nghĩa có lịch sử lâu đời, phong cảnh sơn thủy hữu tình, nhưng thưa thớt người dân sinh sống, kinh tế còn khó khăn. Nhiều năm trước, đi qua vùng Nghĩa Tây, sẽ bắt gặp khung cảnh hoang vắng, nhà cửa còn đơn sơ và vùng quê này từng được xếp vào một trong những làng nghèo nhất xã...

Ở vùng đất liền kề, cách đây hơn 30 năm, từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hơn 30 hộ dân của thôn Phiếm Ái (xã Đại Nghĩa) được di cư tới, bắt đầu cuộc sống nơi đất mới và thành lập thôn Nghĩa Tân... Và mới đây, thực hiện chủ trương chung, thôn Nghĩa Tân và Nghĩa Tây được sáp nhập, lấy tên gọi cũ là Nghĩa Tây với tổng số 450 hộ dân.

Khang trang thôn xóm Nghĩa Tây. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Khang trang thôn xóm Nghĩa Tây. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Ngày nay, đi qua Nghĩa Tây, ai cũng ngỡ ngàng trước những khu dân cư khởi sắc, nhà cửa san sát xây dựng kiên cố khang trang; có nhiều khu dân cư đã mọc lên những ngôi nhà tầng, mái ngói đỏ chói với tường rào cổng ngõ khang trang, gợi lên cảnh no ấm, yên vui. Những tuyến đường đất sỏi đã thay bằng đường bê tông. Không ai ngờ Nghĩa Tây có thể bứt phá được như thế.

“Ngày trước, con em Nghĩa Tây để có cái chữ phải vất vả vượt núi Lở và suốt chặng đường dài vài chục cây số. Trời mưa đường trơn, có khi phải lội bùn lấm lem. Nay thì nhiều tuyến đường mở ra rộng thênh thang, được bê tông hóa kiên cố. Bọn trẻ trong làng đi học, có điều kiện đi ra, đổi đời” - một người già Nghĩa Tây tâm sự.

Theo ông Võ Văn Thu - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nghĩa Tây, toàn thôn vừa sáp nhập hiện có 450 hộ, hơn 1.700 nhân khẩu, kinh tế khởi sắc hơn trước rất nhiều. Cả thôn chỉ còn 11 hộ nghèo thuộc đối tượng người già neo đơn, gia đình chính sách, bệnh tật; chỉ còn một nhà tạm và phấn đấu xóa xong trong năm 2020.

Lao động địa phương đã chuyển dịch tích cực từ đại bộ phận nông nghiệp với nghề khai thác gỗ keo, trồng lúa sang dịch vụ, thương mại, làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn huyện và các địa phương Hội An, Đà Nẵng, Điện Bàn với mức lương ổn định.

Bình quân thu nhập mỗi hộ dân ở Nghĩa Tây ước đạt 200 triệu đồng/năm. Suốt chục năm qua, nhờ đa dạng sinh kế, nhiều hộ đã có cơ ngơi khang trang, nhiều nhà còn sắm sửa xe máy đắt tiền, ô tô, có vốn liếng làm ăn...

Đời sống văn hóa khởi sắc

Kinh tế ổn định, người dân Nghĩa Tây khá tích cực tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao và phong trào ở địa phương. Hằng năm, các hoạt động văn hóa - văn nghệ quần chúng, đua ghe, hội thi đá bóng, kéo co, hội thi tuyên truyền pháp luật, các lễ hội luôn được người dân hưởng ứng mạnh mẽ.

Việc chăm sóc, trùng tu, tôn tạo các công trình kiến trúc được chú trọng. Nghĩa Tây có phong cảnh sơn thủy hữu tình, là vùng đất có bề dày trầm tích văn hóa - lịch sử của Đại Lộc với hàng loạt di tích, thắng cảnh đẹp được trùng tu, gìn giữ qua nhiều đời.

Quần thể kiến trúc với dinh, miếu đa dạng, phong phú như miếu Thần Nông, miếu ông Cô Cát, Dinh Ông, Dinh Bà Ngũ Hành, Dinh Bà Chúa Ngọc, cây đa mấy trăm tuổi... được dân làng trùng tu, tôn tạo phần lớn từ nguồn xã hội hóa. Nghĩa Tây còn có bàu Ông rộng lớn tưới mát những cánh đồng và cũng là niềm tự hào của người dân nơi đây.

Ông Võ Văn Như - một người dân trong làng cho hay, trong năm, nhất là mùa xuân, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội làng diễn ra sôi nổi, tưng bừng. Mỗi năm, quần thể di tích, kiến trúc vùng Nghĩa Tây đón 500 - 600 lượt du khách thập phương đến tham quan, dâng hương.

Còn ông Võ Văn Thu cho biết, dân làng vẫn giữ truyền thống nhân văn tốt đẹp là lễ dãy mã trủng vào dịp 26 tháng 3 âm lịch mỗi năm, thể hiện đạo lý nhân văn đối với những người đã ngã xuống đất này, những người không có nơi thờ tự, hương khói...

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở đây có sự chuyển biến sâu rộng, Nghĩa Tây luôn giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa” của xã. Đó không chỉ là sự nỗ lực vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương mà có sự chung tay của cộng đồng. 

Theo ông Trương Nhành - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa, mấy chục năm qua, người dân Nghĩa Tây vươn lên từ đói nghèo bằng sự cần cù, chịu khó. Cùng với đa dạng loại hình kinh tế, đời sống người dân thay đổi từng ngày. Nghĩa Tây với cơ cấu kinh tế chủ đạo là công nghiệp - thương mại - dịch vụ - nông nghiệp đã có những thành quả bứt phá đi lên.


 HOÀNG LIÊN

Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top