Nam Trà My- làng trẻ Long Túc

Được hình thành trên vùng đất hoàn toàn mới từ hơn 2 năm nay và chủ nhân của các gia đình ở đây phần lớn là những người thuộc thế hệ 8X, 9X, Long Túc trở thành ngôi làng “trẻ” nhất ở xã Trà Nam (Nam Trà My) hiện nay.

Làng mới

Thực hiện chủ trương sắp xếp dân cư theo hướng ổn định lâu dài, gắn nơi ở với nơi sản xuất, kết hợp cải tạo nhà ở, vườn tược và cải thiện môi trường sống, từ năm 2017, xã Trà Nam vận động người dân tách giãn hộ và di dời đến nơi ở mới. Thôn Long Túc, lúc bấy giờ có gần 80 hộ, được chọn làm điểm. Theo anh Đinh Văn Dương - cán bộ văn hóa xã Trà Nam, do bà con Xê Đăng đã quen với tập quán sống cộng cư, nên khi mới triển khai chương trình này, rất ít người đồng tình, hưởng ứng. Do vậy, lãnh đạo xã đã chọn những người trẻ, những hộ có nhà cửa hư hỏng, chật hẹp, có nhiều thế hệ sống chung một nhà... để tập trung tuyên truyền, vận động. Để tăng tính thuyết phục, tại khu vực được quy hoạch làm nơi giãn dân lập làng mới, địa phương chủ động tạo mặt bằng, phân lô, xây dựng lưới điện sinh hoạt và hệ thống đường bê tông nội bộ... để bà con đến xem. Thấy “ưng cái bụng”, một số người đã đăng ký di dời hoặc xin tách hộ để di dời đến nơi ở mới.


Cuộc sống từng bước khấm khá hơn, nhiều gia đình ở Long Túc 3 đã mua sắm được các phương tiện giải trí. Trong ảnh: Anh Đinh Văn Liệt lắp chảo tín hiệu cho chiếc ti vi vừa mua. Ảnh: B.A

Sau hơn 2 năm thực hiện tách hộ, giãn dân và di dời, cả thôn hiện có 93 hộ; trong đó, tại nóc Long Túc 3 - khu vực được quy hoạch để lập làng mới, hiện đã có 52 hộ đến sinh sống. Khác hẳn với nơi ở cũ, tại nóc Long Túc 3, nhà cửa được xây dựng ngay hàng thẳng lối, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm được làm tách ra; vườn tược được quy hoạch vuông vức, có hàng rào, có cổng ngõ mở ra lối đi chung; phía trước mỗi ngôi nhà đều có gắn bảng ghi tên chủ hộ... Cấu trúc bên trong của các ngôi nhà ở đây được thiết kế hoàn toàn mới, ngoại trừ một không gian truyền thống được giữ lại là cái bếp củi - được bố trí ở nơi sinh hoạt chung, nhà nào ở đây cũng có kho, phòng ngủ, nhà bếp riêng biệt... Anh Hồ Văn Rùng đến định cư ở Long Túc 3 đầu năm 2018, cho biết, khi còn ở chung với cha mẹ, mọi sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi đều diễn ra quanh bếp lửa. Còn bây giờ, trong ngôi nhà mới, vợ chồng, con cái đều có phòng ngủ riêng; bếp củi truyền thống chỉ nổi lửa khi cần hâm sấy thức ăn hay khi trời lạnh, việc nấu nướng hàng ngày được thực hiện tại gian bếp ở góc nhà. Đặc biệt, không chỉ  gia đình anh Rùng mà hầu hết gia đình ở đây, bếp mới được xây dựng rất “mới”, có nồi cơm điện, có bếp điện, có tủ đựng thức ăn và chén bát...

Cuộc sống ấm no, sung túc

Ở Long Túc 3, do hầu hết chủ hộ là người trẻ (Trưởng thôn Long Túc là Hồ Văn Chê, sinh năm 1992) nên việc tiếp thu, vận dụng những cái mới trong sinh hoạt và đời sống diễn ra khá nhanh chóng và thuận lợi. Hồi ở nơi cũ, thóc lúa hầu như chỉ trồng trên rẫy, khi sang đây, theo sự vận động và hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp xã, bà con đã cải tạo những diện tích rẫy gần nguồn nước thành ruộng bậc thang để trồng lúa nước, cho năng suất cao hơn. Chị Hồ Thị Bé (SN 1984), mỗi năm chỉ cấy gần 2 ang lúa giống, thêm mấy khoảnh rẫy sắn nhưng đủ ăn quanh năm. Anh Đinh Văn Liệt (SN 1992), một trong những người đầu tiên đến định cư ở Long Túc 3, ngoài việc gieo cấy 3 ang giống lúa nước, gia đình anh còn nuôi 3 con bò, 1 con trâu và trồng một khoảnh rau nhỏ trước nhà, nhờ vậy mà đời sống khá hơn trước. Giữa tháng 4 vừa rồi, anh mua được một chiếc ti vi màu thay cho chiếc ti vi cũ và tự mình kéo dây, lắp chảo, dò tín hiệu... “Trước đây, lắp ti vi là phải kêu thợ dưới Tắc Pỏ lên, tốn thêm vài trăm ngàn. Bây giờ thì mình học được cách lắp chảo rồi, bà con trong nóc ai cần thì mình giúp” - anh Liệt nói.

Theo anh Hồ Văn Chê - Trưởng thôn Long Túc, khi đời sống ổn định, ruộng nương cho năng suất khá, người dân ở nóc Long Túc 3 đã yên tâm hơn nên ai cũng quyết định gắn bó lâu dài. Tình trạng uống rượu say sưa, bỏ bê việc rẫy việc nhà giảm hẳn; thay vào đó, bà con dành thời gian rảnh rỗi buổi chiều và tối để xem ti vi. Các cuộc hội họp, sinh hoạt chung của thôn, của nóc bà con cũng tự giác hơn. Tất cả những hộ có con em trong độ tuổi đến trường đều cho con đi học ở trường thôn, trường xã và trường nội trú của huyện... “Về đây sinh sống, ai cũng phấn khởi. Tuy nhiên, vì không được phá rừng mở thêm rẫy mới, đất cũ thì bắt đầu bạc màu, trồng lúa trồng rau đều khó, nên bà con mong Nhà nước hỗ trợ phân bón, kỹ thuật để mùa màng tốt tươi hơn...” - anh Chê nói.

BẢO ANH


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top