Mấy nét Quảng Nam trong Hương Quảng

Hương Quảng (NXB Đà Nẵng tháng 5.2019) của nhà nghiên cứu Lê Thí là một tuyển tập các bài viết về “Đất và người xứ Quảng” chủ yếu là trên báo Quảng Nam cuối tuần và một số tờ báo khác.

Khi tập hợp thành sách, tác giả đã thêm các chú thích để hoàn thiện các bài báo cùng nhan đề đã đăng trước đó. Qua các chú thích ấy, một lần nữa, người đọc biết thêm về sự tìm hiểu rộng rãi của tác giả về những vấn đề có liên quan đến bản sắc của vùng đất Quảng Nam xưa.


Phố cổ Hội An.

Sau ba bài viết dí dỏm mà đầy ắp tư liệu chuyện “Ngũ phụng tề phi”, chuyện “Cãi” và chuyện “Chướng” của người Quảng Nam, tác giả Lê Thí đã đi sâu giới thiệu “hương sắc đất Quảng” qua chuyện kể về các ngôi làng, về một số dòng sông và ngọn núi nổi tiếng. Đặc biệt tác giả đã làm nổi bật cái “hồn dân dã” của một số sản phẩm cựa mình bước ra từ ruộng đồng, sông nước: từ đống rơm rạ, mùa khoai lang, hạt nếp, cây mía, cọng rau, con cá... qua sự chế biến mộc mạc mà điêu luyện đã thành hồn thành vía của tô mỳ Quảng Túy Loan, Phú Chiêm, Hội An, Cây Trâm; của dĩa thịt heo quấn bánh tráng Đại Lộc, Thăng Bình; của khoai trụng, khoai chà Vinh Huy, Trà Đỏa; của bát đường đen từ các vùng mía đường khắp tỉnh; của dĩa xôi đỏ màu trái gấc - lá dung trên các mâm cúng khắp nam Hải Vân đến Dốc Sỏi - Chu Lai; và cả của chén mắm thính mang hương vị biển ngang…

Tất cả “hồn quê” ấy đã được tác giả “gói ghém” cẩn thận và duyên dáng qua từng bài viết nhằm khơi gợi nỗi nhớ nhung da diết của nhiều thế hệ người Quảng đang sống ở quê nhà và dĩ nhiên là nhiều thế hệ người Quảng ly hương. Tất cả đã hoàn toàn thể hiện được mục đích mà Lê Thí bày tỏ ở trang đầu: “Sách là tấm lòng, là hoài niệm của một người con xứ Quảng, một ngày trên đường đời bỗng dừng lại “ngó ngu ngơ”… và tự nhủ, đúng rồi “quê quán tôi ơi, xưa chính đã chỗ này”!


Bìa sách Hương Quảng.

Những chỗ in nghiêng trên do Lê Thí cảm hứng từ mấy câu thơ của Bùi Giáng - một thi nhân Quảng Nam đã từng đưa hương sắc Quảng Nam thành điệu thành vần tuyệt tác mà đến nay vẫn chưa ai vượt qua được! Hẳn là Lê Thí đã muốn trải tấm lòng đối với quê hương như Bùi Giáng từng làm - tất nhiên là về mảng văn xuôi.

Thật khó mà định danh cho những trang viết trong Hương Quảng chủ yếu là văn xuôi biên khảo, là văn xuôi nghị luận hay là tùy bút, bởi trong cuốn sách này hiện diện ngang bằng cả ba yếu tố đó. Tìm thật nhiều tư liệu trong chính sử và lồng thật nhiều giai thoại vào các câu chuyện kể về 13 ngôi làng nổi tiếng: Cẩm Sa, Bảo An, Phong Thử, Thanh Quýt, Phiếm Ái, Gia Cốc, Mã Châu, Trà Nhiêu, Mỹ Xuyên, Hà Lam, Nghi Sơn, Đồng Tràm, Hương Quế và Mông Nghệ, chân dung đặc sắc của từng ngôi làng đã được thể hiện rõ nét… Qua đó, chuyện mở đất lập làng, chuyện xây dựng hương phong thiện tục, chuyện làm ăn học hành, chuyện bảo vệ đất đai làng xã, chuyện cắt tóc Duy tân, chuyện biểu tình kháng sưu chống thuế… của các ngôi làng nói trên đã giúp độc giả liên tưởng đến những sự tích xây dựng, đấu tranh từng diễn ra ở làng xã của mình. Đúng là từ những “Hương” (làng) Quảng điển hình, tác giả đã gợi mở ra những hình ảnh mạnh mẽ và đẹp đẽ của các hương thôn khác ở Quảng Nam xưa mà ông chưa, hoặc không có điều kiện, giới thiệu.

Hương (hương sắc) Quảng trong sách còn đến từ các dòng sông mà tác giả đã ghi chú đậm nét khi mô tả: đó là Thu Bồn thơ mộng, Ly Ly với âm sắc dòng chảy rù rì, Trường Giang dùng dằng ở chỗ hai chế độ thủy triều rất lạ gặp nhau, đó là hai dòng chảy Cu Đê và Vĩnh Điện với âm vang hào hùng quá khứ…

Hương (mùi vị, cảm nhận) Quảng còn đến từ cách diễn tả tinh tế các đặc sản dân dã của quê mình. Đậm đà nhất là hai bài viết về bát đường đen và tô mắm thính.

“Ngọt thua đường đen, mặn hơn mắm thính”! Phải chăng đó là cốt tính Quảng Nam mà xa xưa ông bà ta từng tổng kết?


BÌNH PHÚ


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top