Giá bán lẻ xăng dầu ở Quảng Nam: Người tiêu dùng chịu thiệt

So với địa bàn TP. Đà Nẵng và quy định của Liên bộ Tài chính - Công Thương, giá bán lẻ xăng dầu tại thị trường Quảng Nam luôn cao hơn 200 đồng/lít. Thực tế này đã tồn tại hơn 10 năm nay nhưng chưa được điều chỉnh.

Do quy định vùng

Sáng 17.6, cây xăng Ngọc Khánh trên quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn thôn Bồ Mưng (xã Điện Thắng Bắc, Điện Bàn) có nhiều khách vào đổ xăng, không ai để ý bảng giá đã có sự thay đổi.

Trên ô chữ nhỏ phía dưới cột ghi lít, đơn giá hiện con số 19.240 đồng/lít (xăng E5RON92) và 20.360 đồng/lít (xăng RON95-III), cao hơn 200 đồng so với quy định của liên bộ Công Thương - Tài chính.

Giá bán lẻ xăng dầu ở Quảng Nam luôn cao hơn Đà Nẵng 200 đồng/lít. Ảnh: V.L
Giá bán lẻ xăng dầu ở Quảng Nam luôn cao hơn Đà Nẵng 200 đồng/lít. Ảnh: V.L


Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết, quy định nêu trên đã xuất hiện từ hơn 10 năm trước nên việc các cửa hàng xăng dầu trong tỉnh bán cao hơn giá thị trường 200 đồng là phù hợp (tăng thêm tối đa không quá 2% so với giá cơ sở công bố). “Quảng Nam xa cảng tiếp nhận nên giá sẽ như vậy, tất nhiên người tiêu dùng có quyền lựa chọn” - ông Lâm nói.

Ông Nguyễn Văn Phương (khách hàng đổ xăng) cho biết, ông ít để ý bảng giá, chỉ nhìn số tiền hiện trên ô chữ cây xăng xem nhân viên đã đổ đúng hay không.

“Tôi đi ô tô nên mỗi lần đổ chừng 500 nghìn đồng, thật sự mình cũng ít quan tâm giá xăng bao nhiêu, thấy họ đổ đủ 500 nghìn là được rồi” - ông Phương nói.

Cách đó khoảng 800m, cửa hàng xăng dầu Hòa Phước (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), mức giá được niêm yết với hai loại xăng E5RON92 và RON95-III lần lượt 19.040 và 20.160 đồng/lít.

Toàn tỉnh hiện có 184 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, nhiều nhất là Điện Bàn với 36 cửa hàng; ít nhất là Tây Giang 1 cửa hàng. Qua khảo sát sơ bộ, hầu hết cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh giá niêm yết đều cao hơn các cửa hàng xăng dầu thuộc địa bàn TP.Đà Nẵng cũng như quy định của liên bộ Công Thương - Tài chính là 200 đồng/lít xăng các loại.

Theo bà Nguyễn Thị Thu – chủ cửa hàng xăng dầu Điện Thắng (thôn Bồ Mưng, Điện Thắng Bắc, Điện Bàn), sở dĩ mức giá niêm yết cao hơn 200 đồng là do quy định vùng, không phải cửa hàng tự tiện. Bình quân một tháng cửa hàng xăng dầu Điện Thắng tiêu thụ khoảng 20 nghìn lít xăng các loại.

“Quảng Nam mình thuộc vùng 2 nên mức giá phải như vậy, tôi chỉ bán theo giá đại lý đưa xuống ăn chiết khấu thôi, còn vì sao đắt hơn 200 đồng thì tôi chịu, chắc do phí vận chuyển” - bà Thu giải thích.

Ông Đoàn Ngọc Sơn – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam khẳng định, mức giá phát sinh chủ yếu được tính cộng vào chi phí vận chuyển, và điều này được cho phép do khác vùng miền. “Giá được căn cứ theo vùng nên họ niêm yết đúng đó, ở vùng núi giá có thể còn cao hơn nữa” - ông Sơn lý giải.

Bất hợp lý

Ngày 28.7.2020, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam ban hành Văn bản số 386 về danh mục địa bàn vùng 2 bao gồm các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu có chi phí kinh doanh cao hơn định mức chi phí cấu thành trong cơ sở.

Theo đó, những tỉnh nằm trong danh mục địa bàn vùng 2 giá xăng dầu sẽ được tăng thêm tối đa không quá 2% so với giá cơ sở công bố tại cùng thời điểm.

Tổng cộng 42 tỉnh được xếp vào địa bàn vùng 2, hầu hết là tỉnh nghèo như Hà Giang, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Hậu Giang… và Quảng Nam. Đồng nghĩa người dân các địa phương này phải trả tiền mua xăng dầu cao hơn các cư dân vùng 1 tối đa 400 đồng/lít xăng.

Một số ý kiến cho rằng, quy định này bất hợp lý vì không thể đồng nhất chi phí vận chuyển giữa các tỉnh vùng núi phía Bắc với các tỉnh đồng bằng, chưa kể khoảng cách từ kho đầu mối đến các tỉnh khác nhau, thậm chí trong địa bàn mỗi tỉnh cũng đã có sự khác biệt về địa hình địa lý.

Đơn cử, tại Quảng Nam chi phí vận chuyển từ Đà Nẵng vào Điện Bàn hay Hội An chắc chắn sẽ thuận lợi và thấp hơn so với các huyện miền núi, nên mức giá cũng không thể giống nhau mà phải rẻ hơn các điểm vùng xa của TP.Đà Nẵng thuộc huyện Hòa Vang.

Theo bà Nguyễn Thị Thu - chủ Cửa hàng Xăng dầu Điện Thắng, mức giá tăng 200 đồng không chỉ khiến người dân phải mua xăng giá đắt mà doanh nghiệp cũng gặp khó khăn bởi xe tải, xe khách đường dài đều ra Đà Nẵng đổ xăng nhằm tiết giảm chi phí. “Từ khi có quy định vùng tôi mất rất nhiều khách hàng vận tải vì họ chạy ra Hòa Phước đổ, bây giờ chủ yếu xe máy đổ thôi” - bà Thu chia sẻ.

Số tiền 200 đồng có thể không nhiều cho một lần đổ xăng nhưng với các doanh nghiệp vận tải, mức phát sinh trên không hề nhỏ, nhất là trong tình hình kinh doanh khó khăn hiện nay.

Theo báo cáo của Công ty Xăng dầu Petrolimex - chi nhánh Quảng Nam, giai đoạn từ 2014 đến nay, bình quân mỗi năm doanh thu bán lẻ xăng dầu chi nhánh đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, tương đương 100 triệu lít, đồng nghĩa mỗi năm người tiêu dùng đổ xăng tại Quảng Nam trả thêm khoảng 20 tỷ đồng. Chi nhánh Petrolimex có 44 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, chiếm khoảng 51% thị phần xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Từ thực tế nêu trên, thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét điều chỉnh lại những quy định không phù hợp, dựa trên những phân tích cụ thể, nhất là với những địa phương liên cư liên địa với vùng 1 như Quảng Nam và TP.Đà Nẵng.


 VĨNH LỘC

Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top