Đông Giang- Tập trung đầu tư hạ tầng

Tại kỳ họp mới đây, HĐND tỉnh đã thông qua chủ trương thực hiện nâng cấp, mở rộng đoạn tuyến An Điềm - A Sờ với tổng mức đầu tư 260 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Cùng với đó, công trình đường nội thị phía tây thị trấn Prao cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư với tổng mức 170 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 162 tỷ đồng, còn lại ngân sách huyện).

Xác định đầu tư kết cấu hạ tầng (KCHT) là nhiệm vụ đột phá, huyện Đông Giang nỗ lực huy động các nguồn lực để triển khai, làm tiền đề cho sự phát triển của huyện miền núi còn nhiều khó khăn.
Dự án tuyến đường Prao-Tà Lu-Zà Hung thi công sắp hoàn thành. Ảnh: C.T
Dự án tuyến đường Prao-Tà Lu-Zà Hung thi công sắp hoàn thành. Ảnh: C.T

Nỗ lực

“Trên cơ sở các nhiệm vụ đột phá được xác định tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và bổ sung giữa nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch. Trong đó, KCHT phải tiếp tục được quan tâm đầu tư nâng cấp và xây dựng mới, tạo nền tảng cho sự bứt phá mới trong nhiệm kỳ và giai đoạn tiếp theo” - ông Đỗ Tài, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đông Giang chia sẻ.

Đầu tư đường nội thị phía tây thị trấn Prao 

Tại kỳ họp mới đây, HĐND tỉnh đã thông qua chủ trương thực hiện nâng cấp, mở rộng đoạn tuyến An Điềm - A Sờ với tổng mức đầu tư 260 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Cùng với đó, công trình đường nội thị phía tây thị trấn Prao cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư với tổng mức 170 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 162 tỷ đồng, còn lại ngân sách huyện).

Ông Hồ Quang Minh cho biết, đường nội thị phía tây thị trấn Prao nằm phía tây sông A Vương có điểm đầu nối với đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Prao, điểm cuối nối đường giao thông qua thôn A Dung (xã A Rooi) với chiều dài 7,3km. Tuyến đường này sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông nội thị Prao và liên vùng; sắp xếp, mở rộng dân cư về phía tây sông A Vương; tạo thuận lợi đi vào vùng sản xuất; rút ngắn đáng kể thời gian lưu thông của người dân A Rooi về trung tâm huyện. Đáng chú ý, hướng tuyến của công trình không đụng vào đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ. Hiện nay, các thủ tục về thiết kế, bản vẽ thi công theo quy định đã thực hiện xong. Huyện chỉ còn chờ tỉnh bố trí kinh phí sẽ triển khai thi công quý II năm nay.

Theo đó, địa phương huy động nhiều nguồn lực tập trung phát triển KCHT 5 năm qua với tổng mức hơn 597 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư hạ tầng giao thông bằng việc kiên cố hóa hơn 12km mặt đường huyện, các tuyến đường liên thôn với chiều dài gần 11km. Đến nay, 40/40 thôn có đường ô tô đến trung tâm.

Các tuyến Zà Hung - A Rooi, tuyến Zà Hung - Jơ Ngây, Kà Dăng - Mà Cooih xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng giao thương thuận lợi, thúc đẩy kinh tế địa phương. Dự án đường giao thông Prao - Tà Lu - Zà Hung với chiều dài 6,7km, mặt cắt ngang rộng 6,5m (mặt đường rộng 5,5m), tổng kinh phí 90 tỷ đồng đang thi công một số hạng mục cuối cùng.

Cùng với đó, hạ tầng điện được triển khai thiết lập bảo đảm 40/40 thôn có điện lưới quốc gia và 11 trung tâm xã, thị trấn có điện đường chiếu sáng. Giai đoạn 2015 - 2020, Đông Giang xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp 30 công trình thủy lợi; 6 công trình nước sinh hoạt và 1 hệ thống nước sạch tập trung. Đồng thời xây dựng, sửa chữa nâng cấp 5 trạm y tế xã, phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Với giáo dục, huyện xây dựng mới, nâng cấp 20 trường với 81 phòng học. Trụ sở làm việc từ huyện đến xã, thị trấn được nâng cấp, tạo điều kiện làm việc ổn định cho cán bộ, công chức. Ngoài ra, các xã điểm được chú trọng đầu tư nhằm tạo động lực lan tỏa các vùng phụ cận, để 2 xã Ba và xã Tư đạt chuẩn nông thôn mới. Giai đoạn 2017 - 2020, huyện triển khai hỗ trợ di dời đến nơi ở mới 710 hộ với kinh phí thực hiện 35,2 tỷ đồng, những gia đình này đến nay đã ổn định cuộc sống.

Cần tiếp tục đầu tư

Theo ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, mặc dù đã nỗ lực huy động các nguồn lực, nhưng do ngân sách địa phương hạn chế, nên KCHT còn thiếu và yếu. Dễ nhận thấy là công trình thủy lợi, nước sinh hoạt chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, nhiều cơ sở y tế, trường học chưa đạt chuẩn.

Hệ thống giao thông kết nối vùng phát triển, các tuyến liên xã xuống cấp cản trở đi lại và lưu thông hàng hóa. Đơn cử, quốc lộ 14G kết nối từ Đà Nẵng qua địa bàn huyện có mặt cắt chật hẹp, nhiều khúc cong cua nguy hiểm, bề mặt đường xuống cấp tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Tuyến đường An Điềm - A Sờ (trong quy hoạch thuộc tuyến ĐT609) tiếp giáp Đại Lộc lên đường Hồ Chí Minh sở hữu mặt cắt quá nhỏ, lại bị mưa lũ gây hư hỏng nghiêm trọng, khiến du khách e ngại khi muốn lên tham quan tại khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang. Về điện, huyện phải chung với nguồn kéo từ trạm biến áp Thạnh Mỹ 110kV (Nam Giang) nên chất lượng không ổn định và đã dùng hết công suất.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đông Giang lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục xác định đầu tư KCHT là nhiệm vụ đột phá. Địa phương tiếp tục kiến nghị tỉnh có ý kiến để Bộ GTVT sớm đầu tư mở rộng quốc lộ 14G nhằm bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, các phương tiện tải trọng lớn vận chuyển được hàng hóa mới thu hút doanh nghiệp đến đầu tư.

Bên cạnh đó, hoàn chỉnh hạ tầng giao thông thị trấn Prao theo quy hoạch; triển khai một số tuyến đường đô thị Sông Vàng (xã Ba) để chuẩn bị một bước về cơ sở vật chất hình thành đô thị này sau 2025; chăm lo cho các xã Mà Cooih và Jơ Ngây nhằm về đích xã nông thôn mới. Địa phương cũng đang thúc đẩy thi công khu liên hợp thể dục thể thao huyện (kinh phí 43 tỷ đồng), hoàn chỉnh và đưa vào phục vụ Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam lần thứ II dự kiến diễn vào cuối tháng 7 đến. Các chương trình mục tiêu về y tế, giáo dục sẽ thực hiện cho đạt chuẩn.


 CÔNG TÚ

Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top