Đông Giang- nẻo về còn xanh

Sau những thăng trầm, dấu tích của một nông trường chè nức tiếng giờ cũng mất dần. Gần năm mươi năm tồn tại ở vùng thung lũng Trung Mang (xã Ba, Đông Giang), vài đồi chè cuối cùng nay đã không còn đủ tốt tươi để xanh lại những quả đồi, xanh lại miền ký ức…

   Không còn con đường mòn một thuở in dấu bánh xe rơ-moóc băng qua những nương chè, cái nắng hắt lên bỏng rát từ những vệt bê tông ngoằn ngoèo xẻ dọc lưng đồi. Nắng cháy, những gốc chè trơ trọi, cằn cỗi, bị cắt thấp để dễ cắt bằng máy, thay cho cách truyền thống là ngắt từng lá chè bằng tay thuở nọ. Tôi ngó lên quả đồi, không còn là những hàng chè lúp xúp ken dày từng bậc thang nữa, mà đã lộ vẻ những xác xơ. Sắp chạm mốc 50 năm, kể từ ngày cây chè bắt đầu được gieo xuống nơi này, cũng là dấu mốc của biết bao phận người đã ngược nguồn đi “vùng kinh tế”, gửi lại tuổi trẻ cho những đồi chè bạt ngàn một thuở.


Những con đường mòn, từng một thời gắn với ký ức của bao người ở nông trường chè

Má tôi, thuộc lớp công nhân đầu tiên của nông trường chè Quyết Thắng ngày ấy. Hơn nửa đời người trôi nhanh như cái chớp mắt. Những ngày đầu ăn bo bo, ở trong những mái lá lợp tranh, vách bằng nứa đập dập, nắng mưa dầu dãi với cây chè. Mỗi đội sản xuất thời ấy ở ngay giữa thung lũng chè, để tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch. Sớm mai, cả làng nghe tiếng kẻng là lũ lượt quang gánh đi làm, mấy đứa nhỏ ngồi chỏng chơ trong chiếc giỏ mây để mẹ gánh lên gửi ở nhà trẻ của đội. Một ngày, bốn lượt kẻng đi và về, tiếng kẻng vang khắp một miền thung lũng, đủ để những người ở xa nhất cũng có thể nghe thấy mà quẩy quang gánh về kịp cho chuyến rơ-moóc thu gom chè. Tiếng kẻng, con đường mòn, và cả chiếc xe rơ-moóc già nua đã trở thành hình bóng “hoàng kim”, in dấu trong biết bao cuộc đời công nhân nông trường, như má. Má kể, ngày nào chiếc đầu kéo với hai bánh xe kỳ dị kia mà trở chứng, cả đội sản xuất lại mướt mồ hôi, vì phải gánh cả tạ chè đi năm, bảy cây số để đến cân tại xưởng chế biến. Cả nông trường, chỉ có hai chiếc xe, chở chè, chở phân bón và cả… kéo cày. Giờ thì mất hẳn rồi. Cái kẻng không còn, chiếc xe hình như đã thanh lý lâu rồi, nhiều con đường giờ chỉ là ký ức…

  Người già ở nông trường vẫn hay gọi địa danh bằng những cái tên cũ: đội bảy, đội hai, đội một… Nhưng cũng mất mát ít nhiều rồi. Đội tám, vốn là một làng cũ nằm bên kia suối, giữa bạt ngàn chè, nay đã hoàn toàn xóa sổ. Vì chia cách mỗi mùa lũ, vì nhiều người đã không còn gắn bó với cây chè, vì mưu sinh…, muôn vàn lý do cho sự biến mất của cả một ngôi làng, cùng với hàng chục hecta chè phía chân núi Chúa. Không còn một ai bám trụ lại giữa thung lũng, nhường đất cho những đồi keo. Đã qua rồi thời hoàng kim. Cây chè lao đao vì mất giá, vì thiếu đầu ra. Giữa thời buổi đó, nhiều người không còn gắng gượng được với mưa nắng, gió sương trên rẫy chè. Họ rời đi. Kẻ ở lại cũng chọn cho mình một phương kế khác để mưu sinh, bớt nhọc nhằn hơn đời công nhân nông trường. Những người cuối cùng đã già rồi, như má. Mấy năm trước, khi nông trường chuyển thành công ty cổ phần, nhiều gốc chè được nhổ bỏ, thay thế bằng giống chè mới, tốt hơn, máy móc cũng thay dần sức người. Nhưng không đủ. Tôi về quê, nhìn nương chè đã ba, bốn mươi năm tuổi bị nhổ sạch, trơ đống gốc xù xì. Không biết gọi tên cảm xúc lúc ấy như thế nào, nhưng dậy lên một niềm thương. Thương cho miền ký ức, thương cho ấu thơ của mình lớn lên giữa những nương chè, và thương giọt mồ hôi của hàng trăm, hàng ngàn người công nhân nông trường đã đổ xuống thung lũng này suốt mấy chục năm để nuôi xanh cây chè, trong đó có má.


Đồi chè giờ đã già cỗi và thưa thớt.

Và giờ thì chỉ còn những vạt chè cuối cùng nhọc nhằn bám trụ với khô cằn. Những chè bảy chín, chè tám hai, chè tám lăm, tên gọi của từng rẫy chè đánh số năm cây chè được gieo ươm xuống lần lượt mất đi, mất hẳn. Tôi đi ngang qua đồi chè, tuyệt nhiên không thấy một bóng công nhân nào giữa những luống chè lúp xúp. Họ, cũng như đồi chè, đã thành lớp người của quá khứ. Trong câu chuyện kể của má tôi, của nhiều người công nhân trong số họ, là tiếng kẻng nông trường, là bánh xe đầu kéo to kỳ dị uể oải bò qua suối, lăn theo những triền đồi. Họ chỉ có thể tìm được nó trong hồi ức của nhau, trong tháng năm tuổi trẻ đã gửi lại cho nông trường. Bạn tôi, lần đầu tiên đặt chân lên xứ chè, tỏ vẻ ngạc nhiên khi tôi chỉ chỗ chụp bức ảnh đồi chè chục năm về trước. Ngạc nhiên, rồi có gì như thất vọng. Thời gian như gió, ngoảnh lại, hình như đã lạc mất quê nhà.

Nẻo về, không còn màu xanh của ký ức. Tạm biệt những nương chè…

THÀNH CÔNG


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top