Đại Lộc- tổ chức giỗ tổ Hùng Vương

Trong 2 ngày 12 & 13.4 (nhằm mùng 8 và 9.3 âm lịch), tại Đền tưởng niệm Trường An, UBND huyện Đại Lộc long trọng tổ chức lễ khánh thành công trình trùng tu Đền tưởng niệm Trường An và đại lễ Giỗ tổ Hùng Vương.

Dự lễ ngày 13.4 có các đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Xuân Ca - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh; các tướng lĩnh quân đội cùng lãnh đạo huyện Đại Lộc qua các thời kỳ. Ngoài ra, hàng nghìn cán bộ, người dân địa phương, người con xa quê, đại diện cho 1.300 chư tộc phái trong huyện cũng về dự và dâng hương tưởng niệm các vua Hùng, các bậc tiền bối hữu công.

Tại chương trình lễ, đại diện lãnh đạo tỉnh và huyện Đại Lộc đã cắt băng khánh thành công trình trùng tu Đền tưởng niệm Trường An, trồng cây lưu niệm tại Đền tưởng niệm. Công trình có tổng giá trị đầu tư hơn 18,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 15 tỷ đồng, còn lại ngân sách của huyện. Công trình gồm các hạng mục chính: nhà bia hình cánh cung có diện tích hơn 680m2 hướng về tâm của Đài tưởng niệm với hệ thống bia khắc tên anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng và bậc lão thành cách mạng; hạng mục cải tạo cảnh quan sân vườn, nâng cấp cổng tam quan.

Đại diện lãnh đạo tỉnh dâng hương tại Đền Tưởng niệm Trường An. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Đại Lộc dâng hương tại Đền tưởng niệm Trường An. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Tiếp đó, nghi lễ Giỗ tổ Hùng Vương được tiến hành với hai phần cổ lễ và tân lễ. Nghi lễ Giỗ tổ diễn ra trong không khí trang trọng với các nghi thức: rước kiệu, rước sắc tiền hiền, hậu hiền, các bậc thủy tổ có công khai mở đất của chính quyền và nhân dân 18 xã/thị trấn về khu vực Đền tưởng niệm. Mười tám bàn lễ gồm bánh chưng, hương hoa, trà quả, phẩm vật, gạo muối, heo quay… được chính quyền và nhân dân 18 xã/thị trấn bày biện quanh khu vực đền chính để dâng lên tiên tổ, các vua Hùng, bậc tiền bối hữu công. Nghi thức tế văn, hành lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm của lễ nhạc, do các bậc cao niên khăn đóng áo dài đảm trách.

Trong niềm xúc động thiêng liêng, nhân dân huyện Đại Lộc đã thành tâm, kính cẩn hướng về đất tổ Phú Thọ tưởng niệm các vua Hùng đã có công khai sáng đất nước Việt Nam. Đồng thời thành kính tri ân tổ tiên, dâng hương các bậc tiền bối hữu công, các anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng đã hy sinh trọn đời mình cho nền độc lập, tự do của dân tộc.

Nghi thức cắt băng khánh thành công trình trùng tu Đền tưởng niệm. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Nghi thức cắt băng khánh thành công trình trùng tu Đền tưởng niệm. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Theo ông Nguyễn Hữu Vũ - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đại Lộc, lễ Giỗ tổ là lễ hội văn hóa truyền thống, biểu thị tinh thần đoàn kết cộng đồng của dân tộc Việt Nam qua mọi thời đại, làm cho mỗi người luôn đặt niềm tin và cầu mong những điều giản dị không chỉ cho riêng mình mà cho cả cộng đồng dân tộc, đất nước thanh bình, mưa thuận gió hòa, vạn sự như ý… Đồng thời nhắc nhở mỗi người dân luôn khắc ghi và mãi biết ơn công lao các bậc tiền bối hữu công, các anh hùng liệt sĩ.

Các địa phương dâng lễ vật, dâng hương tại Ngày giỗ các Vua Hùng. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Lễ vật của các địa phương. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Ông Nguyễn Hữu Mai (người con quê hương Đại Lộc) - nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam chia sẻ, lễ Giỗ tổ đã thực sự trở thành hào khí vinh quang cùng những giá trị tinh thần tốt đẹp của thời đại các vua Hùng, tiếp thêm nguồn sức mạnh tinh thần để mỗi người dân huyện Đại Lộc nói riêng và người Việt Nam nói chung tự hào về truyền thống dân tộc, tiếp tục có những đóng góp, cống hiến làm cho quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Các địa phương với phần thi gói bánh chưng, tem trầu cánh phượng tại lễ hội. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Thi gói bánh chưng, têm trầu tại lễ hội Giỗ tổ. Ảnh: HOÀNG LIÊN

“Mỗi năm tổ chức lễ hội là dịp để con cháu khắc sâu về nguồn cội, tri ân đối với những người có công dựng nước và giữ nước. Việc làm này thể hiện truyền thống văn hóa, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc. Di tích Đền tưởng niệm là di tích văn hóa vật thể và những lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương trở thành di tích văn hóa phi vật thể, cần được bảo tồn và gìn giữ, bồi đúc” - ông Nguyễn Hữu Mai nói.

Sôi nổi hoạt động của tuổi trẻ Đại Lộc tại khu vực Đền tưởng niệm vừa trung tu, tôn tạo. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Sôi nổi hoạt động của tuổi trẻ Đại Lộc tại khu vực Đền tưởng niệm vừa trung tu, tôn tạo. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Trước đó, đêm 12.4, huyện Đại Lộc khai mạc Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương năm 2019 với nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao sôi nổi diễn ra tại Đền tưởng niệm Trường An. Sau lễ khai mạc là các phần thi: gói bánh chưng, têm trầu cánh phượng, thi sáng tác thơ nhanh, thi tìm hiểu văn hóa Hùng Vương với các phần thi, tiết mục sôi nổi, hấp dẫn.

HOÀNG LIÊN - NHẬT DUY


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top