Đại Lộc- Chuyển mình trong xây dựng nông thôn mới ở xã Đại Đồng

Đại Đồng là xã miền núi phía tây của H. Đại Lộc, Quảng Nam. Nơi này cũng từng là căn cứ cách mạng, nhiều người vẫn còn để những câu khẩu hiệu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước cổng nhà, như "Không có gì quý hơn độc lập - tự do". Thế nhưng, câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất suốt những năm qua ở Đại Đồng không phải cái khó, cái nghèo, cũng không phải những câu khẩu hiệu quen thuộc. Thay vào đó, câu chuyện được chính quyền và người dân nhắc đến nhiều nhất chính là "Nông thôn mới".

Thành quả 8 năm phấn đấu

Về thăm Đại Đồng, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi sự thay da đổi thịt hiện diện ngay trên những tuyến đường được trải bê-tông cứng cáp, từ ngoài đường chính đến khắp các ngõ ngách thôn, xóm. Những ngôi nhà cấp 4 cũ kĩ, xuống cấp trước đây, bây giờ đã được người dân cải tạo, xây mới khang trang với tường rào cổng ngõ kiên cố.

Ông Trương Hữu Mai, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng chia sẻ: Có được bộ mặt khởi sắc như ngày hôm nay, chính quyền địa phương cùng với nhân dân đã không ngại khó khăn, gian khổ cùng chung sức, đồng lòng nên qua 8 năm thực hiện chương trình NTM, đến nay xã đã đạt và vượt ngưỡng 20 chỉ tiêu xét chọn NTM. Trong đó, các tiêu chí về điện, đường, trường, trạm đã vượt chỉ tiêu ban đầu đề ra. Hiện nay, toàn xã đã hoàn thành 13.949 km đường giao thông chuẩn bê-tông hóa dẫn vào từng ngõ, xóm các thôn. Hệ thống điện được đầu tư từ chương trình REII đã đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện với 100% hộ thường xuyên sử dụng điện an toàn. Công tác giáo dục đạo đức, pháp luật cho học sinh được thực hiện nghiêm túc, không có học sinh vi phạm chuẩn mực đạo đức, trong đó có 4 trường trên địa bàn xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Trung tâm văn hóa và khu thể thao được đầu tư, xây mới trang hoàng là điểm vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa của đại bộ phận người dân trong xã.

Đặc biệt, vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho người dân luôn được chú trọng, hiện nay trên địa bàn xã có hơn 1000 người dân nằm trong độ tuổi lao động đã có việc làm với thu nhập từ 4 triệu đến 8 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt gần 36 triệu đồng. Ngoài ra, công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cho người dân thường xuyên được quan tâm, chú trọng, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư, xây mới đồng bộ. Chất lượng gia đình văn hóa, thôn văn hóa ngày càng được nâng cao, hiện xã có 100% thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa 3 năm liền trở lên. Song song với công tác đảm bảo, nâng cao đời sống, tinh thần cho người dân thì công tác đảm bảo an ninh chính trị, TTATXH được củng cố và giữ vững, đặc biệt, không có các tụ điểm phức tạp, không phát sinh thêm người mắc tệ nạn xã hội...

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nhanh - Trưởng thôn Hà Thanh cho biết, từ khi phát động xây dựng NTM đến nay, bà con cùng chung tay hưởng ứng tích cực các đường lối, chủ trương đề ra. Trước đây, toàn thôn có 25 hộ nghèo, 43 hộ cận nghèo nhưng qua 8 năm thực hiện chương trình NTM, hiện tại toàn thôn chỉ còn 25 hộ cận nghèo, 7 hộ nghèo. Đặc biệt, trong thôn không còn học sinh bỏ học giữa chừng, kể cả những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhất.

Một góc xã Đại Đồng nhìn từ đường tỉnh lộ ĐT 609.

Những tiềm năng chờ được khai phá

Theo ông Trương Hữu Mai, hiện nay các tuyến đường giao thông chuẩn bê-tông hóa đã cơ bản hoàn thành tạo điều kiện cho địa phương phát huy những tiềm năng vốn có. Trong đó, về tiềm năng phát triển dịch vụ, hiện toàn xã có 5 công ty chuyên hoạt động vận tải dịch vụ, đảm bảo nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa cho người dân. Bên cạnh làm nông nghiệp trồng lúa thuần túy thì hiện nay, người dân ngày càng tập trung chuyển đổi để trồng các cây ăn quả lâu năm hoặc các loại hoa màu có giá trị cao hơn. Đặc biệt, việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây sả mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Hiện tại, Đại Đồng là nơi tập trung và trung chuyển số lượng lớn cây sả để phân phối tại địa phương và thị trường Đà Nẵng.

Là một xã miền núi với diện tích đồi núi chiếm 82% nên nơi đây còn có lợi thế về trồng cây gỗ lớn lâu năm, cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với những loại cây ngắn ngày khác. Bên cạnh đó, chính quyền xã đang có những chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các trang trại sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững, qua đó giúp giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn. Trước đây, tại địa phương có truyền thống trồng dâu, nuôi tằm nhưng hiện nay chỉ còn một vài hộ làm, chính vì vậy, chính quyền đang có những hỗ trợ cần thiết để người dân có thể yên tâm, quay lại làm ăn trên mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao này.

Về tiềm năng du lịch, Đại Đồng có địa điểm du lịch Suối Mơ rất đẹp nhưng vẫn chưa được nhiều du khách biết đến, hiện tại chính quyền xã đang kêu gọi đầu tư, quảng bá cho điểm du lịch Suối Mơ và biết đâu trong tương lai, nơi đây sẽ là một trong những điểm đến yêu thích của khách du lịch trong và ngoài nước.

Bà Bùi Thị Lan (62 tuổi, thôn Bàng Tân) vui mừng chia sẻ với chúng tôi rằng, để quê hương Đại Đồng thay da đổi thịt như ngày hôm nay chính là nhờ sự chung sức đồng lòng của toàn nhân dân và chính quyền xã Đại Đồng. Bà Lan mong rằng, trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ có những hỗ trợ cần thiết cho bà con có thể khai thác hết những tiềm năng vốn có để phát triển các mô hình sản xuất truyền thống, vươn lên thoát nghèo, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

NGỌC QUỐC


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top