Bị hăm dọa vì... đồng nghiệp vay nợ

Ngày 14-5, anh Nguyễn Thanh Quốc (1980, trú xã Tam Tiến, H. Núi Thành, Quảng Nam) có đơn gửi cơ quan chức năng nhờ can thiệp vì thời gian qua anh liên tục bị các số điện thoại lạ gọi vào yêu cầu trả nợ, đồng thời hăm dọa kiện ra tòa để đi tù. Theo trình bày của anh Quốc, anh làm việc tại Cty giày Rieker Việt Nam ở Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (TX Điện Bàn, Quảng Nam), tại đây anh có quen với một đồng nghiệp tên Huỳnh Ngọc Mỹ. Sau đó, người đồng nghiệp này có đi vay tiền và trong hợp đồng vay người này không biết vô tình hay cố ý ghi số điện thoại của anh Quốc vào hồ sơ vay với tư cách là người thân.

Năm 2017, tới kỳ hạn trả tiền mà người bạn tên Mỹ chưa trả, nhân viên cho vay gọi điện thì số của Mỹ không liên lạc được. Do vậy, phía cho vay tiếp tục điện vào số anh Quốc yêu cầu anh liên hệ nói anh Mỹ phải trả tiền cho ngân hàng. Sự việc trên kéo dài từ năm 2017 đến nay, theo trình bày của anh Quốc thì hầu như tháng nào anh cũng bị nhân viên ngân hàng điện thoại hoặc nhắn tin vài lần để yêu cầu “nhắn gửi người thân” tên Mỹ trả tiền nợ.

“Trước đây họ gọi hỏi tôi có quen biết với ai tên Huỳnh Ngọc Mỹ không, vì cùng làm chung một tổ với Mỹ nên tôi nói có biết, vậy là họ bảo tôi yêu cầu Mỹ phải trả tiền vay. Những lần gọi sau, vì thấy bị làm phiền nên tôi nói không biết ai tên Mỹ hết, vậy là họ liền bảo tôi cố tình khai báo gian dối. Họ còn dọa tôi sẽ bị ra tòa cùng với Huỳnh Ngọc Mỹ vì là người liên quan đến pháp lý. Nếu không hợp tác tôi sẽ bị ít nhất 3 năm tù. Mới đây, chiều 13-5-2019, số điện thoại 0964.438.599 một giọng nữ tự xưng là nhân viên ngân hàng tiếp tục điện vào nói tôi phải có mặt ở nơi cư trú để nhận lệnh triệu tập, đưa tôi ra tòa...”, anh Quốc bức xúc nói.

Đơn trình báo của anh Quốc gửi cho Công an tỉnh Quảng Nam.

Tương tự trường hợp anh Quốc, thời gian qua nhiều bạn đọc của Báo Công an TP Đà Nẵng cũng liên tục phản ánh vì bị nhân viên ngân hàng gọi vào làm phiền, hù dọa trong khi bản thân mình không liên quan đến việc vay tiền. Anh T.V.T (trú P. Trường Xuân, TP Tam Kỳ) cho biết, anh có một người dì họ cũng vay tiền theo kiểu tín chấp như trên, nhưng không hiểu sao khi vay người dì này lại ghi số điện thoại của anh vào hợp đồng. Đến hạn trả nhưng vì khó khăn nên người này chưa trả, nhân viên ngân hàng liên hệ người vay không được nên điện vào số của anh đề nghị trả thay cho người vay. Liên tục trong thời gian sau đó, anh bị các số điện thoại như 0911.762.753; 0913.016.764 gọi vào làm phiền và hăm dọa sẽ bị xử lý vì bao che cho người vay tiền.

“Anh là người thân của chị D. đúng không, chỉ vay tiền mặt trả góp trễ 4 ngày rồi. Anh phải hỗ trợ cho chị D. đi đóng tiền... Chậm nhất là 10 giờ ngày mai anh phải cầm tiền đến trả góp. Nếu không trả tôi sẽ gửi thẳng hồ sơ về địa phương làm việc. Anh đừng có trốn tránh cùng với người thân của mình không chịu trả tiền. Tôi ghi nhận thái độ trốn tránh bất hợp tác của anh với ngân hàng nên sẽ gửi hồ sơ về địa phương làm việc...”, nội dung cuộc nói chuyện của nhân viên ngân hàng gọi cho anh T.

Trước sự việc trên, anh Nguyễn Thanh Quốc cũng như các “nạn nhân bị khủng bố” khác cho rằng, bản thân mình không liên quan gì đến người vay tiền nhưng liên tục bị “khủng bố” như vậy khiến tâm lý rất bức xúc. “Những sự việc như trên đã làm tinh thần tôi bất ổn, hoang mang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và cuộc sống. Qua đây tôi mong các cơ quan chức năng có biện pháp can thiệp, giải quyết cho tôi để không phải bị khủng bố như vậy nữa”, anh Quốc nói.

BÃO BÌNH


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top