FLYCAM- Nghệ thuật nhìn từ trên cao

Bây giờ, mỗi khi muốn đi chụp ảnh ở đâu đó, nhiều người cầm máy chuyên nghiệp thường nhắn cho nhau câu rủ rê “Đi bay không hè?” thay vì “Đi chụp ảnh nhé” như trước. “Bay”, với dân trong nghề, có nghĩa là chụp ảnh bằng thiết bị flycam.

“Sắc màu Tam Thanh” - một tác phẩm chụp bằng flycam của Lê Trọng Khang, đoạt giải nhì Festival Nhiếp ảnh trẻ toàn quốc năm 2017.
“Sắc màu Tam Thanh” - một tác phẩm chụp bằng flycam của Lê Trọng Khang, đoạt giải nhì Festival Nhiếp ảnh trẻ toàn quốc năm 2017.

Thay đổi góc nhìn

Trước đây, khi chưa có thiết bị flycam hỗ trợ, những người chơi ảnh đều “nhìn” cuộc sống bằng góc nhìn ngang, mặt đối mặt. Những thay đổi có chăng chỉ là sự điều chỉnh góc máy, vị trí đặt máy và thường thì sự chênh lệch về độ cao giữa góc đặt máy với đối tượng được chụp cũng không quá 3 mét. Những tấm ảnh thật sự được chụp từ trên cao thỉnh thoảng cũng xuất hiện, chủ yếu được chụp từ nóc nhà cao tầng hay trên xe nâng. Tuy nhiên, những độ cao này chỉ đủ tạo ra những góc nhìn rộng vừa phải và khá “cứng” do khả năng xê dịch thấp... Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Mai Thành Chương - người đầu tiên ở Quảng Nam sở hữu và thực hành chụp ảnh flycam, việc sử dụng thiết bị bay vào chụp ảnh đã hóa giải được những hạn chế nói trên; giúp cho người làm nghề ảnh có thể “nhìn” cuộc sống bằng những góc nhìn mới lạ hơn. “Sử dụng flycam để chụp ảnh, mình có cơ hội nhìn bao quát cảnh vật, cuộc sống từ trên cao, cảm xúc khác hẳn đi và góc nhìn cũng đa dạng hơn. Vấn đề còn lại là mình quyết định bấm máy trong khoảnh khắc nào, ở góc nhìn nào để có được tấm ảnh có giá trị nghệ thuật” - Mai Thanh Chương nói.

Một người chơi flycam khác là Nguyễn Hữu Khiêm cho biết, so với việc chụp ảnh thông thường, khi nhìn cảnh vật qua thiết bị bay, người chụp ảnh như rơi vào một “cảnh giới” khác. Trước sự choáng ngợp, mênh mang của không gian, cảnh vật, con người bên dưới, nếu không biết cách cân bằng cảm xúc thì không dễ gì để lựa chọn hình ảnh ưng ý và đưa ra quyết định bấm máy đúng lúc. Nguyễn Hữu Khiêm bộc bạch: “Khi đưa máy ảnh lên không trung, ngay lập tức góc nhìn sẽ khác, nhưng không phải chụp thế nào cũng cho ra ảnh đẹp, ảnh lạ. Cái chính là làm thế nào để từ nhiều góc nhìn rất khác từ trên cao ấy mình chọn được một góc máy thật sự độc đáo để chụp”... Tại một số cuộc trưng bày, triển lãm ảnh gần đây, khi xem những tấm ảnh flycam, không ít người đã thích thủ ồ lên khi mà họ phải mất một lúc khá lâu mới có thể nhận ra những khung cảnh quen thuộc của quê mình. Tất nhiên, cái lạ trong thị giác người xem không phải do hình ảnh thực tế bị chỉnh sửa, làm sai lệch trên ảnh; cái chính là do ảnh được chụp từ những góc nhìn mà bản thân người xem chưa trải nghiệm bao giờ.

Nghệ thuật nhìn từ trên cao

Đi cùng với sự phát triển mạnh mẽ của trào lưu chụp ảnh bằng flycam, tại các cuộc thi, liên hoan ảnh chuyên nghiệp mấy năm gần đây, sự dự phần của loại ảnh chụp từ trên cao cũng nhiều hơn. Ban đầu, cũng có không ít lời ra tiếng vào, rằng không nên xem ảnh flycam là ảnh nghệ thuật mà chỉ là ảnh chơi. Ồn ào nhất là tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực TP.Hồ Chí Minh năm 2016 do Hội NSNA Việt Nam tổ chức, trong nội bộ giới nhiếp ảnh nghệ thuật đã nổ ra cuộc tranh cãi khá gay gắt khi có một giải nhất và một giải nhì được trao cho ảnh flycam.

Dù vậy, ảnh flycam vẫn liên tục xuất hiện và xuất hiện ngày càng nhiều trong các cuộc chơi ảnh chính thống. Tại cuộc chơi danh giá nhất về ảnh nghệ thuật là Giải thưởng ảnh xuất sắc hàng năm của Hội NSNA Việt Nam, 3 năm trở lại đây, ảnh flycam luôn có mặt và có một số tác phẩm đoạt giải. Tại liên hoan ảnh nghệ thuật các cấp khu vực được tổ chức hàng năm theo từng vùng miền trong nước, ảnh flycam cũng đã và đang trở thành một bộ phận đáng chú ý. Gần đây nhất, tại Liên hoan ảnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2018, giải thưởng cao nhất đã được trao cho tác phẩm ảnh flycam “Du lịch sinh thái” của Mai Thành Chương. Trước đó, một hội viên khác của Quảng Nam là NSNA Lê Trọng Khang cũng được trao giải nhì cho tác phẩm ảnh flycam “Sắc màu Tam Thanh” tại Festival nhiếp ảnh trẻ toàn quốc năm 2017. Đặc biệt hơn là, khi đưa ra triển lãm, tác phẩm này của Lê Trọng Khang không được mắc lên giá như thường thấy mà được đặt nằm trên mặt đất dưới dạng một sa bàn, nhằm tạo ra góc nhìn đồng nhất cho người xem để đem lại hiệu ứng nghệ thuật tốt hơn.

Theo NSNA Phạm Văn Tý - Phó Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam, những hiện tượng ấy chính là một chỉ dấu cho thấy sự thừa nhận của các chuyên gia ảnh, của các hội đồng nghệ thuật đối với ảnh flycam trong “không gian” ảnh nghệ thuật nói chung. “Khi máy ảnh số và ảnh kỹ thuật số xuất hiện, cũng có ý kiến cho rằng ảnh nghệ thuật phải và chỉ được chụp bằng máy ảnh cơ. Sau một thời gian giằng co, bây giờ thì mọi người đều thừa nhận ảnh chụp bằng máy nào cũng được, miễn nó đẹp, hội đủ các tiêu chí cơ bản nhất của nghệ thuật nhiếp ảnh. Máy ảnh, cơ hay số, suy cho cùng chỉ là phương tiện sáng tác. Thiết bị flycam cũng vậy, nó chỉ là phương tiện kỹ thuật mà thôi. Ảnh nghệ thuật chụp bằng flycam thì nó vẫn là ảnh nghệ thuật; khác chăng là nó được nhìn, được sáng tác từ trên cao, vậy thôi...” - NSNA Phạm Văn Tý nói.

BẢO AN

Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top