Cởi bỏ 'mặt nạ' vì nền giáo dục trung thực
Để thừa nhận rằng sự trung thực là điều cốt lõi mà hiện nay hệ thống giáo dục của chúng ta đang rất thiếu và yếu.
Phải chăng đã đến lúc chúng ta, từ người lớn đến con trẻ, từ thầy cô đến học trò, từ bộ đến nhà trường, nên đồng lòng vứt bỏ những "chiếc mặt nạ" mà chúng ta đeo bấy lâu: mặt nạ của điểm thành tích, mặt nạ của các danh hiệu dạy giỏi, mặt nạ của những tấm bằng ma...
Phải chăng đã đến lúc tất cả chúng ta đồng lòng chấp nhận những điểm số nhỏ nhưng thực chất, nhìn thẳng vào nó để vạch ra một lộ trình cải thiện đầy kiên nhẫn và bền bỉ, không chệch ra ngoài sự trung thực?
Phải chăng đã đến lúc chúng ta gạt những bài văn mẫu sang một bên, để lấy chỗ cho những lời văn ngây ngô nhưng chân thực, và cho phép người viết ra những lời văn ấy cơ hội nhận ra thứ tiếng Việt lủng củng rất cần được cải thiện, cũng như sự hời hợt trong quan sát hoặc sự hạn chế trong biểu cảm của mình? Để từ một xuất phát điểm với hành trang là trung thực, người đó có thể xây dựng những bài văn có "chất" hơn và quan trọng nhất là của chính mình?
Phải chăng đã đến lúc thầy cô được cho phép buông bỏ nhu cầu lao vào các cuộc thi giáo viên giỏi, cấp trường, cấp quận huyện, cấp cao hơn nữa và hơn nữa, bắt cả bản thân mình lẫn học trò diễn vai hoàn hảo đến mệt nhoài trong vài tiếng đồng hồ để rồi trong suốt thời gian còn lại vật vã với thực trạng khác xa với hoàn hảo?
Phải chăng đã đến lúc các phụ huynh buông bỏ nhu cầu so sánh con mình với con người ta, nhu cầu khoe điểm, nhu cầu giữ sĩ diện, và tất cả các nhu cầu tạo áp lực và sự căng thẳng cho những đứa trẻ đi học, khiến chúng phải chớp lấy mọi cơ hội gian dối trong tầm tay ở học đường để đáp ứng?...
Nếu cái lõi trung thực của giáo dục không được củng cố thì, như một hệ quả tất yếu, chúng ta sẽ có đầy rẫy những sản phẩm giáo dục là những con người trưởng thành quen với sự giả dối, quen với việc đeo mặt nạ.
Khi những người trưởng thành ấy làm cha mẹ, thói quen đó vẫn bám riết lấy họ, và trong sự giáo dục từ gia đình, họ sẽ tạo ý thức chấp nhận sự giả dối cho những đứa con. Và cứ thế, cái vòng luẩn quẩn sẽ tiếp diễn, không bao giờ hết.
Chấp nhận xây dựng cốt lõi giáo dục từ sự trung thực thì bạn và tôi sẽ không bật khóc vì buồn khi kết quả của một kỳ thi trong cả nước chỉ toàn những điểm trung bình hoặc thấp hơn, khi con chúng ta không được phát giấy khen hoặc phần thưởng.
Chúng ta sẽ chấp nhận điều đó như một sự đánh đổi tất yếu cho việc không ai phải đeo mặt nạ thành tích để đến trường, để sự trung thực chỉ ra cho chúng ta những hướng đi mới trong quỹ đạo của nó.
Đã đến lúc trung thực nên được coi là lối ra cho giáo dục ở nước ta!
Nguyễn Bích Lan.