Một đêm theo chân thợ săn cá niên sông Tranh

Chỉ cần những vật dụng đơn giản như chiếc đèn pin, vợt... ông Hải có thể ngâm mình nhiều giờ giữa dòng sông Tranh trong đêm để săn cá niên.

Thiên nhiên ban tặng sông Tranh nguồn cá tự nhiên như cá chình, niên, măng..., trong đó nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao. Chính vì thế có lúc người dân dùng xung kích điện khai thác khiến nguồn thủy sản dần cạn kiệt. Song gần đây, nhờ nhiều biện pháp quyết liệt bảo vệ nguồn lợi thủy sản nên tình trạng sử dụng xung kích điện đánh cá ở sông Tranh đã giảm. Và đồng bào Xê Đăng ở huyện Nam Trà My chuyển sang săn cá niên bằng cách đánh lưới, chài, dùng súng để bắn... Anh Nguyễn Đức Hải săn cá niên ở sông Tranh. Ảnh: THANH THẮNG

Ông Hải chuẩn bị săn cá niên dưới sông Tranh. Ảnh: THANH THẮNG

Tay không săn cá niên là biệt tài của ông Nguyễn Đức Hải (39 tuổi, thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My). Người dân ở Tắc Pỏ (xã Trà Mai) gọi ông Hải là “Tý rái cá”, bởi chỉ cần một chiếc vợt nhỏ, ông có thể ngâm mình hàng giờ dưới sông để tìm cá niên.

 
Đốt một đống lửa trên bờ để lấy ánh sáng và sưởi ấm. Ảnh: THANH THẮNG

 

Một đêm, chúng tôi theo ông Hải ra sông Tranh săn cá niên. Trời chập tối, đội chiếc đèn pin trên đầu, ông Hải đưa chúng tôi đến khu đất trống cách cầu Trà Tập chừng 200m.

Trước khi xuống nước, ông Hải đốt một đống lửa. Ánh sáng từ đống lửa giúp ông nhìn rõ một vùng sông nước. Đêm tĩnh lặng, nghe rõ tiếng dòng sông chảy rì rào.

Đồ nghề ông Hải chỉ gồm chiếc đèn pin, kính lặn, chiếc vợt bằng 2 bàn tay, bao ni lông đựng cá và một gói... dầu gội đầu trong túi quần. “Đơn giản thôi, dầu gội đầu chỉ để rửa chiếc kính lặn cho sáng hơn và khi xuống nước kính lặn không bị mờ. Kính sáng mới thấy đường bắt cá” - ông giải thích.

Nhẹ nhàng hòa mình xuống dòng nước, dùng một hòn đá làm điểm tựa, chỉ bằng một cú đạp phút chốc ông Hải đã tới giữa dòng sông Tranh.

Lặn dưới dòng nước tìm cá niên. Ảnh: THANH THẮNG
Lặn dưới dòng nước tìm cá niên. Ảnh: THANH THẮNG

 

Đến giữa sông, ông Hải dùng đèn pin thăm dò địa hình, đoạn nước nào sâu nông đều nằm lòng với người thợ săn cá này, nhưng ông vẫn cẩn trọng bởi nhiều thứ cây cối trôi theo nước có thể làm ông bị thương. Thói quen này đã hình thành khá lâu và trở thành nguyên tắc nghề nghiệp.

Hớp một hơi không khí đầy phổi, ông Hải xuống nước với ánh sáng ngọn đèn pin dẫn đường... Nước sông Tranh mùa này trong vắt, theo luồng ánh sáng đèn pin, có thể thấy những chú cá niên ẩn mình dưới những hốc đá hoặc sát đáy nước.

Dùng ánh sáng đèn pin khéo léo lùa đàn cá vào hốc đá, người thợ săn nhanh tay dùng vợt chặn đường tháo chạy của những chú cá niên đang bị luồng ánh sáng  đèn pin làm lóa mắt. Người thợ săn này có khi dùng tay để tóm những chú cá niên ngờ nghệch.

“Cá niên chủ yếu ăn rong rêu nên hay sống ở khu vực có thác ghềnh. Khi săn cá niên, chỉ nên chọn những con có kích cỡ đủ lớn, những con nhỏ hơn nên để chúng phát triển, cũng là để tránh cạn kiệt. Người lặn bắt cá niên ngoài đảm bảo sức khỏe thì cũng cần có những kỹ năng ở dưới nước” - ông Hải nói.

Một vợt cá niên vừa mới được bắt lên. Ảnh: THANH THẮNG
Một vợt cá niên vừa được bắt lên. Ảnh: THANH THẮNG

 

Lặn bắt cá niên như ông Hải rất hiếm. Ông từng rủ nhiều người theo nghề như mình nhưng không ai trụ được.

“Trên sông Tranh từ cầu 14 (xã Trà Nam) đến đập tràn Nước Xa (Trà Dơn) với khoảng 50 cây số, tôi đều rành chỗ nào nông chỗ nào cạn, những chỗ cá niên trú ngụ tôi đều nắm được. Người dân Nam Trà My có câu ví “nhất chình, nhì chiêng, tam niên, tứ khóa” để nói về những loại cá ngon sinh trưởng trên dòng sông Tranh, trong đó cá niên ở vị trí thứ ba. Thời điểm để săn cá niên thích hợp nhất vào những ngày không mưa, nước sông trong lành” - ông Hải chia sẻ về nghề “độc” của mình.

Mỗi đêm săn cá niên, ông Hải ngâm mình dưới sông Tranh ít nhất 2 giờ, nhiều thì tầm 4 giờ, bữa nào nhiều cũng được 3 - 5 ký cá niên, bữa ít cũng được 2 ký. Giá bán ngày thường mỗi ký cá niên khoảng 250 nghìn đồng, thời điểm cận Tết Canh Tý này lên khoảng 450 nghìn đồng. Những người biết buôn bán thì đang tìm cách trữ cá niên để bán được giá hơn...


 THANH THẮNG

Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top