Tạo đột phá trong phát triển kinh tế vùng phía đông

Những năm qua, tỉnh Quảng Nam đề ra nhiều cơ chế khuyến khích nhằm thu hút những dự án lớn đầu tư vào khu vực ven biển, nằm ở phía đông của tỉnh. Hiện hàng chục dự án lớn ở khu vực này được đưa vào hoạt động, bước đầu tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương, tăng nguồn thu ngân sách và tạo ra sản phẩm có chất lượng. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế phía đông cũng nảy sinh nhiều vấn đề cần được giải quyết một cách bài bản hơn.

 

Từ đầu tư xây dựng hạ tầng

Trong những ngày đầu năm, có dịp về vùng đông Quảng Nam, đi dọc tuyến đường ven biển 129 nối từ đô thị cổ Hội An qua các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình vào TP Tam Kỳ, chúng tôi nhận ra vùng cát khô cằn trước đây đang đổi thay từng ngày. Các tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối từ quốc lộ 1A xuống các xã ven biển ở vùng đông đã được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, thuận lợi cho đi lại và phát triển sản xuất. Mới đây, tỉnh Quảng Nam đầu tư kinh phí 1.479 tỷ đồng tiếp tục kéo dài tuyến đường 129, đoạn từ Dốc Diên Hồng (xã Tam Phú, TP Tam Kỳ) ngang qua cảng Kỳ Hà đến sân bay Chu Lai (huyện Núi Thành) có chiều dài hơn 26 km.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn phấn khởi thông tin, đoạn đường từ Dốc Diên Hồng vào sân bay Chu Lai đang được các nhà thầu tập trung thi công, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10-2020 để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 22. Khi được đưa vào sử dụng, tuyến đường không chỉ tạo thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa từ Khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng đến cảng Kỳ Hà và cảng hàng không quốc tế Chu Lai, mà còn là con đường huyết mạch chạy ven biển nối TP Đà Nẵng qua đô thị cổ Hội An đến sân bay Chu Lai, tiếp nối với Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi); góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh và khu vực miền trung.

Quảng Nam tạo đột phá trong phát triển kinh tế vùng phía đông

Cảng Chu Lai được đầu tư xây dựng, tạo thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam Đặng Phong cho biết, từ năm 2016 đến nay, Quảng Nam huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn, với hơn 3.300 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở vùng phía đông. Đến nay, nhiều công trình đã đưa vào sử dụng như: Cầu Cửa Đại, cầu Đế Võng, đường 129 từ Hội An đến Tam Kỳ, đường trục chính vào KCN Tam Thăng, KCN Tam Quang, đường nối từ cảng Chu Lai đến tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi… Hiện, các nhà thầu đang tập trung thi công nối dài tuyến 129 từ Tam Kỳ đến sân bay Chu Lai và các tuyến nối từ tuyến 129 lên ngã ba Cây Cốc (huyện Thăng Bình) nối với quốc lộ 1A, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và sẽ hoàn thành trong năm 2020.

Từ khi cầu Cửa Đại bắc qua hạ lưu sông Thu Bồn và tuyến đường ven biển 129 nối từ Hội An vào Tam Kỳ được đưa vào sử dụng đã tạo ra sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Tỉnh đã quy hoạch, phân bổ 300 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng và sắp xếp lại dân cư, từ đó tạo ra quỹ đất sạch hơn 2.000 ha nhằm triển khai các dự án trọng điểm ở vùng đông. Qua 5 năm triển khai, đến nay, đã có 12 dự án đầu tư đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí được cấp phép đầu tư tại vùng phía đông thuộc các huyện Thăng Bình và Duy Xuyên. Có thể kể đến, dự án Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An với các hạng mục như: Khu nghỉ dưỡng ven biển, khu vui chơi giải trí và khu nông nghiệp công nghệ cao… tạo sức hấp dẫn với du khách. Đồng thời đang triển khai đầu tư sân golf 18 lỗ và các hạng mục còn lại. Theo chủ đầu tư, khi dự án này đi vào vận hành đồng bộ sẽ giải quyết việc làm cho hơn 1.700 lao động ở địa phương. Còn dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An được triển khai trên diện tích 985 ha (với tổng vốn đăng ký bốn tỷ USD) cũng đang trong quá trình hoàn thành giai đoạn 1, diện tích khoảng 270 ha, với nguồn vốn đầu tư khoảng 650 triệu USD, dự kiến đưa vào hoạt động trong quý I-2020...

Các dự án du lịch được đầu tư vào khu vực này đã biến vùng cát trắng hoang vu trở nên sôi động, kéo theo sự chuyển dịch lao động mạnh mẽ. Hàng chục nghìn người dân ở các xã: Bình Dương, Bình Minh, Bình Giang, Bình Triều, Bình Đào… đã trở thành công nhân xây dựng tại các công trường, nhân viên ở các khu du lịch, với thu nhập bình quân từ 7 đến 10 triệu đồng/người/tháng.

Đến hình thành khu kinh tế đa chức năng

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhìn nhận, khu vực phía đông của tỉnh có nhiều lợi thế trong phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp chất lượng cao... Nơi đây, hội đủ điều kiện để hình thành phát triển khu kinh tế đa chức năng, từ đó, tạo động lực thúc đẩy khu vực kinh tế vùng tây của tỉnh. Đến nay, việc phát triển kinh tế ở vùng này không chỉ giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 50 nghìn lao động, mà còn đóng góp hơn 70% nguồn thu ngân sách địa phương; góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cung cấp cho thị trường.

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô-tô Trường Hải (THACO) Trần Bá Dương cho biết, đến nay, tại Khu kinh tế mở (KTM) Chu Lai, THACO đã đầu tư xây dựng hàng loạt nhà máy lắp ráp ô-tô, máy công nghiệp hỗ trợ và hình thành các KCN cơ khí và ô-tô, KCN Nông - Lâm, Khu Cảng và hậu cần cảng, Khu đô thị Chu Lai… với quy mô xây dựng hơn 1.200 ha, tổng vốn đầu tư hơn 80.500 tỷ đồng. THACO Chu Lai được xem là trung tâm công nghiệp ô-tô tập trung có quy mô lớn nhất cả nước và hàng đầu trong khu vực ASEAN. Trong hai năm trở lại đây, bình quân mỗi năm, THACO cung cấp ra thị trường hơn 90 nghìn xe các loại, chiếm hơn 30% thị phần tại Việt Nam. Gần đây, THACO đã ký hợp đồng xuất khẩu ô-tô sang một số nước. Vào cuối tháng 12-2019, THACO chính thức xuất khẩu lô hàng đầu tiên, với 15 xe buýt mang thương hiệu Việt Nam sang Phi-li-pin; đồng thời ký hợp tác với đối tác Autodelta (Phi-li-pin) để xuất khẩu sang nước này 200 xe buýt trong năm 2020. Theo kế hoạch năm 2020, THACO tiếp tục xuất khẩu 1.026 xe ô-tô các loại.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường nói: Xác định khu vực phía đông của tỉnh từ Hội An vào đến Núi Thành có nhiều tiềm năng, lợi thế, nên ngay khi tách tỉnh (năm 1997), Quảng Nam đã có chủ trương phát triển kinh tế vùng này và coi đây là vùng động lực trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh. Bước đầu, các dự án đầu tư tại khu vực phía đông đã giải quyết việc làm mới cho hơn 4.000 lao động tại địa phương. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu KTM Chu Lai đến năm 2035 tầm nhìn đến 2050. Theo đó, vùng đông của tỉnh Quảng Nam sẽ thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực; là một trong những hạt nhân, trung tâm phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền trung. Tuy nhiên, để vùng đông Quảng Nam phát triển bền vững, vẫn còn nhiều vấn đề, vướng mắc cần giải quyết trong công tác bồi thường, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, nhằm bảo đảm lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân địa phương.

Để đạt được mục tiêu đề ra, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh trong phát triển kinh tế vùng đông là gắn phát triển kinh tế với bảo tồn các giá trị văn hóa đặc trưng và khôi phục các làng nghề truyền thống. Trong quá trình thực hiện, tỉnh kiên quyết không chia nhỏ đất đai khu vực ven biển để thu hút đầu tư; đồng thời giữ gìn không gian công cộng ven biển. Sắp tới, tỉnh sẽ tổ chức lại các nhóm dự án trọng điểm, đồng thời bổ sung nhóm dịch vụ tài chính, vận tải, hậu cần cảng và logistics gắn với cảng biển, sân bay Chu Lai. Phát triển các trung tâm thương mại - dịch vụ gắn với đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, các khu du lịch - dịch vụ sinh thái, vui chơi, nghỉ dưỡng cao cấp ven biển quy mô lớn với các sản phẩm đặc thù..., ưu tiên tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tầm cỡ quốc tế. Đồng thời, tổ chức sắp xếp, hình thành những khu dân cư, khu tái định cư ở khu vực phía đông, nhất là khu vực các địa phương ven biển và các cửa sông nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; qua đó, tạo quỹ đất sạch để thu hút các dự án quy mô lớn có sức lan tỏa, thúc đẩy toàn vùng.

Tỉnh Quảng Nam đề nghị Trung ương tiếp tục xác định Khu KTM Chu Lai là một trong những khu kinh tế trọng điểm của cả nước được ưu tiên hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025; bổ sung dự án nạo vét luồng Cửa Lở vào cảng Chu Lai, cho tàu 50 nghìn tấn hoạt động vào danh mục dự án đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và bố trí lồng ghép nguồn vốn ngân sách tỉnh, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai thực hiện. Các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, hướng dẫn, giải quyết những bất cập về thực hiện các thủ tục đất đai trong khu kinh tế; các chính sách ưu đãi đầu tư về dự án phát triển và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng trong khu kinh tế theo quy định.

Vài năm gần đây, kinh tế Quảng Nam có bước phát triển vượt bậc. Nguồn thu ngân sách đã vượt qua con số 20 nghìn tỷ đồng và trở thành một trong 15 địa phương có nguồn thu ngân sách điều tiết về Trung ương. Khép lại năm 2019, Quảng Nam đạt tổng thu ngân sách nhà nước 23.278 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa gần 19 nghìn tỷ đồng.


TẤN NGUYÊN


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top