NÔNG SƠN- Than tặc hoành hành

Tình trạng trộm cắp than tại bãi than một cách công khai và rầm rộ tại huyện Nông Sơn trong một thời gian dài làm cho lượng lớn tài nguyên khoáng sản của Nhà nước bị thất thoát.

Lượng lớn than bị trộm cắp xuyên đêm

Hoạt động của các đối tượng khai thác than lậu và các đầu nậu thu mua than đá tại xã Quế Trung, nằm ngay trung tâm huyện lỵ Nông Sơn (Quảng Nam) diễn ra rầm rộ trong một thời gian dài.

Quế Trung là xã gồm 10 thôn nằm ở trung tâm huyện Nông Sơn. Theo tìm hiểu của phóng viên, rất đông người dân nơi đây tham gia vào việc lấy than tại mỏ than Nông Sơn do Công ty CP Than - Điện Nông Sơn quản lý và khai thác.

Quảng Nam:
Than bị trộm được chất thành những đống lớn chờ xuất bán cho các đầu nậu

Được biết, đội ngũ “than tặc” ở Nông Sơn lên đến hàng trăm người. Các than tặc dùng xe máy được chỉnh sửa lại, không mang biển kiểm soát; sườn khung được gia cố thép chắc chắn và lắp thêm giá đỡ ở trước, giữa và sau xe để chở được nhiều bao than. Đặc biệt, các xe này cũng cũng được cải tiến nối dài để dễ điều khiển khi chở các bao than đá nặng và không có đèn, chỉ sử dụng đèn pin dẫn đường nên nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra trên địa bàn huyện Nông Sơn.

Ngoài việc cải tiến chiếc xe để thuận lợi việc vận chuyển than, những người này còn mang theo nhiều vật dụng là cuốc, xẻng chạy thẳng vào tận bãi than lộ thiên của mỏ than Nông Sơn khai thác vào mỗi đêm. Mỗi chuyến xe có thể chở được 3 - 4 bao, khoảng 1,5 - 2 tạ than đưa về bán cho các điểm tập kết trên địa bàn thôn Trung Thượng với giá từ 800 ngàn đến 1,2 triệu đồng/tấn.

Quảng Nam:
Cổng và hàng rào vào bãi than do Công ty CP Than - Điện Nông Sơn quản lý và khai thác

Tại nhiều con đường nhỏ thôn Trung Thượng, than chứa trong những bao tải xếp chồng đống khắp nơi vì chưa tiêu thụ được. Tính trung bình mỗi bao than nặng 50 - 60kg, số lượng than lậu chất ở đây có thể lên hàng trăm tấn. Nếu tính đều cả năm thì số lượng than bị thất thoát lên cả ngàn tấn. Việc tồn đọng than ở Trung Thượng là do khi có lực lượng kiểm tra thì than tặc chở về cất giấu quanh nhà, dọc các con đường hẻm nhỏ trong khu dân cư chờ dịp tiêu thụ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tiếp tay cho than tặc ở Nông Sơn chủ yếu là các chủ bến bãi tập kết, thu mua than trái phép trên địa bàn. Từ hàng chục tấn than đưa về mỗi đêm, các bến bãi tập kết thu mua xong và chuyển đi nơi khác tiêu thụ ngay trong đêm, mang lại lợi nhuận hàng chục triệu đồng.

Cơ quan chức năng đã nhiều lần thu giữ và xử phạt

Ông Đỗ Trường Thương - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Trung - cho hay, chỉ riêng 2 thôn Trung Thượng và Nông Sơn (xã Quế Trung) đã có 70 - 80 người làm nghề lấy than tại bãi than Nông Sơn, nhiều nhất vẫn là người dân thôn Trung Thượng.

“Người dân trước đây vào lượm than ở những bãi thải đá khai thác hoặc vị trí tập kết trung chuyển giữa 2 bãi. Sau đó là lượm than rơi vãi bị vùi lấp khi sơ chế đưa xuống tàu đi nơi khác. Ban đầu chỉ vài người vào lượm than bới theo đá ra ngoài, nay tăng lên hơn 70 người vào hoạt động trong bãi than Nông Sơn” - ông Thương cho biết thêm.

Theo xác minh, không chỉ có chuyện lượm than nêu trên, mà còn xảy ra nạn “cướp than” ngay trên bãi lộ thiên của đơn vị quản lý đã cày ủi ra nhưng chưa sử dụng hết. Tình trạng này rộ lên chừng 3 - 4 năm nay, số lượng than tặc tăng gần cả trăm người và ai cũng có thể tham gia.

Đại diện Công ty CP Than - Điện Nông Sơn cho hay, đơn vị đã nhiều lần gửi công văn cho chính quyền xã, huyện và cơ quan chức năng nhờ can thiệp, xử lý nạn than tặc, nhưng đành bất lực.

Quảng Nam:
Tại nhiều con đường nhỏ thôn Trung Thượng, nhiều bao tải chứa than xếp chồng đống nằm la liệt khắp nơi chờ tiêu thụ

Ông Nguyễn Ngọc - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Nông Sơn - cho hay, để quản lý khoảng sản, chính quyền huyện Nông Sơn đã ban hành hàng loạt văn bản quản lý lẫn tuyên truyền. Mới nhất là Quyết định số 2405/QĐ-UBND ngày 20/11/2020 của UBND huyện Nông Sơn thành lập đoàn kiểm tra truy quét hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán khoáng sản trái phép. Đoàn kiểm tra đã truy quét, xử lý bàn giao nhiều than lậu lại cho mỏ than Nông Sơn quản lý.

Được biết, để bảo vệ khoáng sản, UBND huyện Nông Sơn cũng đã lập đoàn Kiểm tra liên ngành nhằm tăng cường tổ chức kiểm tra, truy quét. Đặc biệt, khi có lực lượng công an chính quy về các xã đã phát huy hơn vai trò trách nhiệm quản lý Nhà nước về khoáng sản. Qua đợt kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các công trình đang thi công, điểm tập kết than, vật liệu xây dựng trên địa bàn của UBND xã Quế Trung mới đây, theo báo cáo cho thấy trên địa bàn xã có 3 điểm tập kết than thì có 2 bãi tại thôn Trung Thượng của Công ty TNHH MTV Anh Vi và hộ cá thể của ông Phan Thanh Phước và bà Trần Thị Yến không có giấy phép lập bãi tập kết than đá.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản đình chỉ hoạt động các bãi trên khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép, yêu cầu Công ty Anh Vi đưa các phương tiện máy móc ra khỏi bãi, tuy nhiên, mọi việc sau đó đâu lại vào đấy.

Theo báo cáo công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản và tình hình hoạt động khoáng của UBND huyện Nông Sơn, từ tháng 12/2020 – 3/2021, Công an huyện Nông Sơn phát hiện 5 vụ vận chuyển, tàng trữ gần 24 tấn than đá không rõ nguồn gốc và bàn giao lại Công ty CP Than – Điện Nông Sơn quản lý.

Cùng với đó, cũng chỉ trong ít tháng qua, cơ quan công an cũng đã tịch thu hàng chục tấn than lậu khác làm thủ tục bán đấu giá sung công quỹ Nhà nước với giá trị định giá ước tính hàng trăm triệu đồng. Điều đáng nói, trong các vụ việc phát hiện, bắt giữ nói trên đều không xác định chủ sở hữu, không có nguồn gốc. Duy nhất chỉ một vụ việc xác định được chủ đó là vụ vận chuyển 7,84 tấn than bằng xe tải. Khi đó, tài xế xe tải này đứng ra nhận chủ sở hữu của số than.

Theo lý giải của cơ quan chức năng, chỉ cần phát hiện động tĩnh từ công an, các đối tượng nhanh chóng tẩu thoát, để lại tang vật. Bởi than toàn trộm cắp, xe máy thì toàn loại cũ nên than tặc sẵn sàng vứt bỏ.

Quảng Nam:
Xe gắn máy được các đối tượng trộm cắp than chế lại để thuận lợi cho việc vận chuyển

Đặc biệt, một hình thức mua bán trá hình khác theo cơ quan chức năng cho hay, khi lực lượng chức năng kiểm tra các bến xe tập kết than trái phép thì các chủ bãi sử dụng mánh khóe phù phép than lậu thành than có nguồn gốc để tuồn ra thị trường. Đó là các đầu nậu tiến hành mua một số lượng than có nguồn gốc từ tỉnh Quảng Ninh để lấy hóa đơn. Khi cơ quan chức năng kiểm tra, đầu nậu sẽ xuất trình hóa đơn này nhằm hợp thức hóa nguồn hàng.

Thiết nghĩ, UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan chức năng cần vào cuộc sớm và triệt để, nhằm xóa bỏ nạn “than tặc” hoành hành trong thời gian dài, gây thất thoát lớn nguồn tài nguyên cũng như coi thường kỷ cương pháp luật về quản lý, khai thác, tiêu thụ khoáng sản. Đồng thời chính quyền địa phương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, từ đó có sự tham gia giám sát, góp ý, phản ánh của người dân sẽ góp phần nâng cao công tác bảo vệ tài nguyên, khoáng sản.


Thành Long


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top