Khóa chặt “con đường lâm sản” ở Phước Sơn

Thời gian qua, các lực lượng chức năng trên địa bàn H. Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã có sự phối hợp tuần tra, xử lý các vụ vi phạm lâm sản. Tuy nhiên, đây là địa phương nằm giáp ranh với nhiều huyện miền núi, nơi có nguồn lâm sản dồi dào; là cửa ngõ vận chuyển gỗ lậu từ các tỉnh Tây Nguyên theo trục đường Hồ Chí Minh, QL14E... về xuôi diễn biến phức tạp, nên việc tuần tra, quản lý cần được tăng cường, quyết liệt hơn.

Trao đổi với chúng tôi về tình hình tuần tra, quản lý lâm sản trên địa bàn, ông Ung Duy Ba- Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H. Phước Sơn cho biết, trong thời gian qua, công tác phối hợp lực lượng giữa Hạt Kiểm lâm, UBND các xã, thị trấn và các ngành chức năng của huyện đã được triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả; nhiều vụ vi phạm đã kịp thời được phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, thường xuyên duy trì họp giao ban hàng tháng giữa lãnh đạo Hạt và các bộ phận, Trạm để xử lý công việc; giải quyết hợp lý và kịp thời về chính sách, chế độ cũng như việc tuần tra, giám sát địa bàn.



Các vụ vận chuyển gỗ trái phép bằng ô-tô trên địa bàn H. Phước Sơn mới bị lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ.

Đặc biệt, thực hiện đợt cao điểm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, lực lượng của ngành, đơn vị trên địa bàn huyện đã tổ chức chốt chặn, tuần tra, kiểm tra, truy quét trên lâm phận. Qua đó phát hiện và lập biên bản 16 vụ vi phạm (6 vụ vận chuyển, 8 vụ tàng trữ, 1 vụ vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản và 1 vụ phá rừng trái phép); tang vật, phương tiện tạm giữ gồm: 14,8m3 gỗ xẻ các loại, 3 ô-tô, 2 mô-tô, 1 con trâu. Qua đó ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nộp ngân sách Nhà nước 40 triệu đồng. “Có thể nói, thời gian qua được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Quảng Nam cũng như Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm, chính quyền địa phương nên công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn được đảm bảo; lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của các chủ rừng tập trung quản lý địa bàn, các khu vực trọng điểm. Tuy nhiên bên cạnh đó, tình trạng khai thác gỗ, phá rừng trái phép vẫn còn xảy ra tại một số nơi như ở các xã Phước Hiệp, Phước Hòa…; tình trạng mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép trên tuyến QL14E vẫn còn xảy ra nhưng chưa ngăn chặn và xử lý dứt điểm; công tác nắm bắt thông tin địa bàn, việc phát hiện và ngăn chặn các trường hợp khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép từ rừng chưa kịp thời…”, ông Ung Duy Ba thông tin thêm.

Cũng liên quan đến các vi phạm lâm luật trên địa bàn H. Phước Sơn, mới đây ngày 12-3, Phòng Cảnh sát kinh tế CA tỉnh Quảng Nam tuần tra tại xã Phước Hiệp phát hiện đối tượng Lê Văn Sơn (1978, trú xã Phước Hiệp) điều khiển  ô-tô 12 chỗ BKS 16M-2504 vận chuyển gỗ nên truy bắt. Qua kiểm tra, lực lượng CA đã phát hiện trên xe chở 23 phách gỗ gồm nhiều chủng loại như: Sến, huỳnh đường, chuồn, dổi… với tổng khối lượng gần 5m3. Thời điểm kiểm tra, đối tượng Sơn không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số gỗ trên. Đáng nói, qua xác minh lực lượng CA phát hiện đối tượng này sử dụng BKS xe giả.

Hoặc ngày 17-3, ô-tô tải BKS 92K-4449 (chưa rõ người điều khiển) vận chuyển một số gỗ không rõ nguồn gốc chạy trên tuyến QL14E theo hướng Phước Sơn - Hiệp Đức. Khi đến Trạm Kiểm lâm Phước Hiệp, đối tượng cự cãi với lực lượng chức năng rồi cho xe tiếp tục chạy về xuôi. Lúc này lực lượng kiểm lâm huy động thêm CAH Phước Sơn để truy đuổi. Sau khi truy đuổi hàng chục ki-lô-mét, lực lượng chức năng đã khống chế và đưa xe cùng tang vật về Hạt Kiểm lâm xử lý…

Hạt Kiểm lâm H. Phước Sơn tịch thu khối lượng lớn gỗ trái phép mới đây.

Nói về những hạn chế trong lĩnh vực quản lý nguồn lâm sản trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Tình- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H. Phước Sơn thông tin, hiện nay tình trạng người dân có nhu cầu nhà ở, nhu cầu tách hộ, sửa chữa nhà cũ rất nhiều, nên áp lực tác động vào rừng lấy gỗ làm nhà rất lớn, gây khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, một số kiểm lâm địa bàn, Trạm Quản lý bảo vệ rừng chưa thực hiện tốt vai trò tham mưu giúp Chủ tịch UBND các xã thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, nhất là việc nắm bắt thông tin, dự báo tình hình tại địa phương để có giải pháp tham mưu ngăn chặn kịp thời; Công tác phối hợp giữa các đơn vị, ngành chức năng liên quan và chính quyền địa phương chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao, đôi lúc thiếu chặt chẽ…

Nhằm tăng cường quản lý hiệu quả nguồn lâm sản trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Tình cho rằng sẽ tiếp tục củng cố các Trạm, lực lượng bảo vệ rừng đủ mạnh; kiểm tra, giám sát hoạt động của kiểm lâm địa bàn ở cơ sở; đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch tuần tra, kiểm tra, truy quét, chốt chặn kiên quyết, không để xảy ra điểm nóng vi phạm lâm luật. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân các văn bản về công tác quản lý bảo vệ rừng; ký cam kết với các hộ dân có rẫy vùng giáp ranh không lấn chiếm vào rừng tự nhiên…


BÃO BÌNH


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top